Ðất Thánh & CHẾT TRONG AN BÌNH? & Nói xấu & Cảm nhận về Chúa quan phòng

Ngày đăng: 2:40 AM - 16/03/2023

 

Ðất Thánh
Một giáo xứ miền quê nọ đã được thành lập từ lâu, nhưng chưa có được một ngôi nhà thờ xây cất hẳn hoi. Giáo dân lại nằm rải rác trong hai ngôi làng sát cạnh nhau. Khát vọng duy nhất của giáo dân là được có nơi thờ phượng đàng hoàng… Với sự hăng say bộc phát của những người nông dân, mọi người đã quảng đại đáp lại lời kêu gọi của các chức sắc trong giáo xứ: kẻ góp tiền, người cho vật dụng… Thế nhưng vấn đề cơ bản vẫn là: đâu là địa điểm xứng hợp nhất để xây cất nhà thờ. Người trong làng này thì muốn ngôi nhà thờ tọa lạc trong làng của mình. Người bên làng kia thì lại muốn ngôi nhà thờ được xây cất gần bên chỗ mình ở. Thế là hai bên cứ tranh luận, không bên nào muốn nhường bên nào. Tiền đã có sẵn, vật dụng cũng đã đầy đủ, nhưng không biết phải đặt viên đá đầu tiên bên làng nào.
Giữa lúc vấn đề địa điểm chưa ngã ngũ, thì một vấn đề lớn lại xảy ra: một nạn hạn hán trầm trọng đe dọa dân chúng trong cả hai làng. Thế là người ta chỉ còn nghĩ đến việc chống hạn hán hơn là xây cất nhà thờ. Nhưng sức người có hạn, việc dẫn thủy nhập điền không đạt được chỉ tiêu. Năm đó, toàn dân trong hai làng đều phải chịu cảnh đói khát.
Sống bên cạnh nhau, cho nên mặc dù ngăn cách về hành chính, dân hai làng vẫn coi nhau như bà con ruột thịt… Có hai gia đình nông dân nọ rất mực thương nhau và tương trợ nhau. Một người bên làng này luôn nghĩ đến cảnh đói khổ mà người bạn bên làng kia đang phải chịu. Thế là một đêm nọ, anh đã phân chia phần lúa thóc thu hoạch được trong vụ mùa vừa qua và lặng lẽ vác lên vai để mang qua cứu trợ người bạn của làng bên cạnh… Trong khi đó thì người bạn bên làng bên cạnh cũng có một ý nghĩ tương tự. Anh cũng hành động y như người bạn của mình. Cũng chính đêm hôm đó, anh đã sớt bớt phần lúa của mình để mang qua biếu người bạn ở làng kế bên… Giữa đêm tối, không hẹn hò, hai người bạn đã gặp nhau trong cùng một ý nghĩ và hành động. Không cần một lời giải thích, không cần một lời chào hỏi, hai người đã hiểu nhau: Họ bỏ bao lúa xuống đất và ôm trầm lấy nhau… Ðiểm gặp gỡ của tình bạn, của tình tương thân tương ái, của tình liên đới, của chia sẻ ấy đã được giáo dân của hai ngôi làng gọi là đất Thánh và không cần phải mất nhiều thủ tục để giải quyết, họ đã đồng thanh chọn địa điểm ấy làm nơi xây cất nhà thờ.
Nhà thờ là nơi hẹn hò: hẹn hò với Thiên Chúa, hẹn hò với con người. Không ai đến nhà thờ mà không tìm gặp được sức mạnh từ chính Chúa, sự an ủi đỡ nâng từ những người anh em của mình… Do đó, nhà thờ phải là điểm đến của mọi nẻo đường, nhà thờ phải là nơi hội tụ của mọi xây dựng, nhà thờ phải là giải đáp của mọi tranh luận… Người ta không thể xây dựng những ngôi nhà thờ nguy nga tráng lệ mà lại làm ngơ trước những người đang dẫy chết bên cạnh. Người ta không thể nhắm mắt đi đến nhà thờ trong khi bên lề đường có bao nhiêu kẻ lê lết trong đói khổ… Phải chăng, nhà thờ chỉ có thể xây dựng ngay chính trên đất Thánh của chia sẻ, của san sớt, của tình liên đới mà thôi? Phải chăng, việc đi đến nhà thờ cũng chỉ có ý nghĩa khi nó là điểm đến, là biểu trưng của chính những viên gạch bác ái mà người ta không ngừng xây dựng trong cuộc sống hằng ngày?

 CHẾT TRONG AN BÌNH?

Phương An, CND

Câu hỏi: Tại sao không đồng ý cho những người bị bệnh rất nặng, được tiêm thuốc để chết nhẹ nhàng hơn?

 

Bạn có bao giờ xem bộ phim Bệnh nhân người Anh (1996) được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Ondatjee? Đó là một hành trình của các số phận, tình yêu và sự mất mát xảy ra vào thời cuối Thế chiến II ở Ý. Phim kể về một bệnh nhân mà người xem sẽ đau với cái đau của Almásy khi ông bị giam trong tù và biết người yêu Katherine đang chết dần mòn trong hang động vì lỗi lầm của mình. Nhân vật này sống khắc khoải với cơn đau thể chất vì bị phỏng và nỗi đau tinh thần vì cái chết của Katherine. Ông xem như mình đã chết từ lâu, kể từ khi trái tim ông đã chết. Cuối cùng, ông chọn cách nhờ y tá chích mũi thuốc để ra đi…

Trên đây chỉ là một trong nhiều bộ phim nói về vấn đề an tử. Người ta có quyền được chết để ra đi êm ái hơn? Đó có phải là lựa chọn đúng đắn và nên được chấp nhận không? Gây chết êm dịu có thực sự là “liều thuốc nhẹ nhàng” để từ bỏ cuộc sống? Những vấn đề xoay quanh câu chuyện quyền được chết vẫn còn khá nhiều tranh cãi.

Vài thuật ngữ

An tử, gây chết êm dịu nghĩa là “giết vì xót thương” (tiếng Anh: euthanasia). Nó đề cập đến việc thực hành chấm dứt cuộc sống với mục đích giảm thời gian chịu đau đớn về mặt thể lý cho người bệnh. Nếu pháp luật cho phép, cộng thêm sự đồng ý của bệnh nhân và gia đình, bác sĩ có thể thực hiện việc kết thúc sự sống người bệnh bằng biện pháp không gây đau. 

Trợ tử (assisted suicide) là việc tự sát được cam kết bởi người nào đó với sự trợ giúp từ người khác, để chấm dứt sự đau đớn từ bệnh tật thể lý trầm trọng. Trợ tử là hành vi mà người trợ giúp cho bệnh nhân đủ nhận thức và để gây ra việc tự kết liễu đời mình. Ví dụ bác sĩ kê đơn theo yêu cầu của bệnh nhân liều thuốc tử vong[1].

Để dễ hiểu, trợ tử là có sự trợ giúp của bác sĩ; còn an tử thì bác sĩ là người thực hiện hành vi cuối cùng, thường với một mũi tiêm.

Vấn đề bạn hỏi đã là cuộc tranh luận từ rất nhiều năm nay quanh các quan niệm luân lý, tôn giáo và pháp lý.

Ở Việt Nam, quyền an tử hay trợ tử được đề cập với nhiều ý trái chiều từ hơn 10 năm nay. Cho tới nay, pháp luật Việt Nam không cho phép gây chết êm dịu hay trợ tử. Điều 101 luật hình sự 2009 quy định “Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát, hoặc việc đưa ra quyền được chết là vi phạm điều luật này.”

Tuy vậy, vài nước trên thế giới đã chấp thuận đạo luật cho an tử hoặc trợ tử. (Bỉ, Luxembourg, Hà Lan,Thụy Sĩ, Argentina,...).

Quan điểm ủng hộ gây chết êm dịu

Cái chết, nói tới người ta đã sợ. Ở đây nó được mặc cho cái tên mỹ miều: an tử, trợ tử. Người ta vẫn có lý ở một góc độ nào đó, khi cho rằng việc kết thúc sự sống là một cách tránh cho bệnh nhân những đau đớn mà họ phải chịu. Cũng có những luận điệu ủng hộ như sau:

- Quyền tự do: Quyền được chết nên được xem như các quyền cơ bản khác. Thể hiện quyền tự quyết định cuộc sống, kiểm soát vận mệnh, cách thức và phương pháp chết của mình là vấn đề do cá nhân tự chủ.

- Chất lượng cuộc sống: Chỉ có bệnh nhân mới thực sự biết bản thân cảm thấy thế nào. Nỗi đau về thể xác và tinh thần có thể khiến cuộc sống chỉ còn là chịu đựng. Việc sớm kết thúc sẽ khiến họ đỡ dằn vặt về thể xác lẫn tâm lý.

- Điều kiện thực tế: Đối với những người bệnh không còn thuốc chữa thì việc duy trì cuộc sống chỉ là thời gian. Chi phí điều trị hay sự chăm sóc của người thân không thể cứu vãn tình hình.  

- Chấm dứt đau đớn: Không chỉ cho người bệnh mới cảm nhận mà thân nhân cũng phải qua những cảm xúc bi lụy, buồn bã.

Quan điểm phản đối an tử, trợ tử

Về tổng quan, quyền được sống, tự do,…đã quy định trong Hiến pháp các nước. Họ quy định sinh mạng là bất khả xâm phạm; nếu thi hành an tử sẽ mâu thuẫn vì người này có thể tước đoạt sinh mạng người khác.

Hầu hết người ta đều xác tín rằng sinh mệnh là do Tạo Hóa ban tặng. Do đó không ai có quyền chấm dứt sự sống. Dưới đây là chút tóm gọn mà bạn có thể đọc thêm trên wikipedia (Quyền được chết). Những người phản đối cái chết êm dịu cho rằng:

Về pháp luật, có thể xảy ra trường hợp:

- Con cháu bệnh nhân thông đồng với bác sĩ sửa bệnh án hoặc cưỡng ép ông bà bị bệnh ký giấy nhằm thi hành “án tử” để tránh nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc tranh giành tài sản.

- Lợi dụng để giết người có chủ ý mà không bị trừng phạt (thí dụ: dùng vũ lực hoặc tình trạng không tỉnh táo của bệnh nhân – trong hoàn cảnh bệnh nhân bị bệnh tật dày vò, không đảm bảo trí óc hoàn toàn minh mẫn để tự quyết định – ép họ ký vào giấy).

Người bệnh chọn cái chết (dù bệnh có thể chữa) để trốn nợ hoặc gian lận bảo hiểm.

Về y tế:

- Nếu bệnh đó có cách chữa trong tương lai gần, áp dụng an tử thì bệnh nhân không còn cơ hội. Nếu thi hành sẽ dẫn tới bệnh nhân không có tinh thần đấu tranh với bệnh tật, việc chữa trị sẽ giảm hiệu quả.

- Bác sĩ Huỳnh Văn Bình, chuyên ngành ung bướu, chia sẻ: “Chẩn đoán có tỉ lệ sai sót không mong muốn, không chính xác tuyệt đối, phụ thuộc vào trình độ chuyên môn của bác sĩ, trang bị kỹ thuật của bệnh viện. […] Làm sao chắc ‘quyền được chết’ thực hiện đúng người?” 

Về đạo đức, xã hội:

- Việc ký giấy an tử đối với người bệnh để lại hối hận cho người thân. Nếu người thân của họ bất đồng về an tử, dẫn tới rạn nứt tình cảm gia đình, thậm chí căm hận nhau.

- Người trực tiếp tiến hành an tử gánh chịu di chứng tâm lý vì hành động của họ là tước đoạt sinh mạng. Nếu thân nhân không đồng ý, người tiến hành an tử có thể bị trả thù.

- Việc cho phép này làm “bình thường hóa”, vô tình cổ súy suy nghĩ về nạn tự sát (ai cũng có thể chọn như biện pháp giải quyết bế tắc mà không có nghị lực vươn lên, không quan tâm nỗi đau của người thân); dù không bị nan y nhưng chỉ cần thấy bế tắc trong cuộc sống… đã vội tìm cái chết (nhất là ở nước nghèo có hệ thống an sinh kém)[2].

Với những lý do trên, ông bà ta nói có nghĩa tình: “còn nước còn tát”. Hoặc trong vai trò y bác sĩ, hy vọng ai cũng trung thành với lời thề Hippocrates. Chẳng hạn, “Tôi sẽ kê toa vì lợi ích của bệnh nhân, tùy theo khả năng và thẩm định của tôi, và không bao giờ làm hại ai.” Y đức Đông phương cũng chủ trương thầy thuốc đem hết tài trí cứu bệnh nhân đến hơi thở cuối cùng. Họ nỗ lực “tìm sự sống trong cái chết”; họ không thể thay Đấng Tạo Hóa giết người dù nhân danh lòng thương xót. Đáng mừng!

Giáo Hội Công Giáo nói gì về vấn đề này?

Dĩ nhiên “Giáo Hội bảo vệ quyền được sống, vì liên quan đến Đấng ban sự sống, vì tôn trọng sự thiện hảo thiết yếu của nhân vị.”[3] Sự sống con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm vì mang hình ảnh Thiên Chúa và được chính Ngài giữ gìn chăm sóc. Sự sống và sự chết đều do chính Đấng Tạo Hóa và chỉ mình Ngài làm chủ (x. EV 47)[4].

Từ khởi thủy cho đến nay, những thực hành của Kitô hữu là một truyền thống dài về phục vụ bệnh nhân. Từ những dưỡng đường cổ xưa cho những khách ngoại kiều đến nhà thương phức hợp đầu tiên, chứng từ của Kitô hữu nhịp bước song hành với sự ân cần chăm sóc đối với các bệnh nhân, đặc biệt tại các nhà dòng, cơ sở Công Giáo,... 

ĐGH Gioan Phaolô II nhắc nhở: dù bệnh nhân có thể tự nguyện xin được chết, thầy thuốc nên nhìn thấy nhu cầu sâu xa hơn của người bệnh ẩn dấu bên dưới: nỗi cô đơn, sợ hãi, cần được giúp đỡ thể xác và tinh thần, giảm đau đớn và được yêu thương. Ngài tuyên bố: “Tôi xác nhận làm chết êm dịu là vi phạm nặng nề luật Chúa, là giết người cách cố ý. Giáo lý này dựa trên luật tự nhiên và Lời Thiên Chúa đã được viết ra, được lưu truyền trong Truyền Thống Giáo Hội và được giảng dạy bởi Huấn Quyền phổ quát và thông thường.” (x. EV 65–67).

Đồng thời Giáo Hội quan niệm: Những người đau yếu, khuyết tật cần được nâng đỡ để sống đời bình thường như có thể được. Không thể chấp nhận việc trực tiếp làm cho họ chết êm dịu, dù với bất cứ lý do hay phương tiện nào, vì nó nghịch với phẩm giá con người[5].

Vậy bạn có thể trả lời câu này: một em bé sinh ra với dị tật. Cha mẹ hay bác sĩ có quyền “giúp” bé chết hay không? Vì nếu cho phép thầy thuốc theo yêu cầu bệnh nhân kết liễu mạng sống, thì sự việc không dừng lại ở đó. Người ta sẽ bị kéo trượt trên con đường ấy để đưa cả những bệnh nhân vô phương cứu chữa nhưng không sắp chết, bệnh nhân tình trạng thực vật vĩnh viễn, trẻ sơ sinh khuyết tật, người lão suy, người thiểu năng tâm lý,...

Ai cũng biết khao khát được sống luôn là mong muốn mãnh liệt. Mỗi người đứng ở góc độ khác nhau sẽ có những ý kiến về quyết định liên quan trực tiếp đến mạng sống của mình. Thay vì nghĩ đến cái chết khi bế tắc, chúng ta có thể tìm đến bạn bè và người thân để tìm động lực sống. Tình cảm yêu thương sẽ trở thành sức mạnh giúp chúng ta đi qua giai đoạn khó khăn và tìm được quyết định đúng đắn nhất. Hạnh phúc thay, người Công Giáo còn có Chúa làm nơi tựa nương.

Ước chi giờ cuối của mỗi người như lời Bài hát Đi Trong An BìnhGiêsu, tay Người nhẹ đỡ nâng… dương gian nở trăm lối đưa ta về quê nhà… tình yêu Chúa luôn bao bọc… ra đi với mặt trời trong trái tim… người hãy nhớ mang theo tình yêu Cha… và gieo lời ca… nguyện cầu Giêsu, Người dẫn lối ta… đưa ta về quê trời…(nhạc Peter C. Lutkin, lời Việt Nguyễn Quốc Đoạt)

Hy vọng chút chia sẻ trên đây sáng lên vấn đề mà bạn hỏi!

Đọc thêm:

Bài 27: Thái độ dành cho những người thuộc giới tính thứ ba

Bài 26: Đức tin bén rễ trong Chúa & hoà điệu với đời sống hằng ngày (phần 2)

Bài 25: Đức tin bén rễ trong Chúa & hoà điệu với đời sống hằng ngày (phần 1)

Bài 24: Giống nhau không?

Bài 23: Khoa học và đức tin: Tưởng thù hóa ra bạn

Bài 22: Để tin vào Thiên Chúa vô hình

Bài 21: Một đời để sống

Bài 20: Những ngày lễ truyền tin của cuộc đời

Bài 19: Cảm nghiệm về Thiên Chúa!

Bài 18: Kế hoạch của Thiên Chúa trong đời ta

Bài 17: Nghiệp quả từ góc nhìn của đức tin Công giáo

Bài 16: Tương thân tương ái

Bài 15: Áo giáp chống nạn

Bài 14: Đức tin kiến tạo hòa bình và công bằng xã hội

Bài 13: Vấn đề truyền giáo

Bài 12: Thờ kính ông bà tổ tiên

Bài 11: Truyền giáo cho người trẻ ngoại đạo

Bài 10: Bền đỗ trong ơn gọi gia đình

Bài 09: Vấn đề “theo đạo rồi mới cho cưới”

Bài 08: Gieo suy nghĩ tốt

Bài 07: Nhanh từ từ thôi

Bài 06: Hiện tượng bóng ma

Bài 05: Vượt qua khủng hoảng!

Bài 04: Vấn đề rước Mình Máu Thánh Chúa

Bài 03: Đừng cám dỗ nhau nhé!

Bài 02: Sao lại kỳ thị người tu xuất?

Bài 01: Nhận định ơn gọi cho cuộc đời

 

(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)

WHĐ (15.11.2021)

 

[1] x. Lm Phêrô Trần Mạnh Hùng, Phân biệt giữa an tử và trợ tử (2015), Nxb Tôn Giáo.

[2] Trương Hồng Quang (2012), Bước đầu tìm hiểu vấn đề quyền được chết trong bối cảnh hiện nay, trong cuốn Những vấn đề lý luận và thực tiễn về các quyền mới xuất hiện trong quá trình phát triển, Nxb. Khoa học xã hội.

[3] Gioan Phaolô II, “Celebrate Life”, trong The Pope Speaks 24 (1979), 372.

[4] Evangelium Vitae, bản dịch của Trần Như Ý Lan, CND.

[5] x. Trần Như Ý Lan, Đức tin và luân lý sự sống: nhận định vài vấn đề luân lý y sinh học tại Việt Nam trên quan điểm y khoa và luân lý Công Giáo, Đăng trong Thời Sự Thần Học, Trung tâm Học vấn Đa Minh. 

Nguồn: https://hdgmvietnam.com

http://donggioanthienchua.net/chet-trong-an-binh.html

Nói xấu 

Lm. Anmai, CSsR | Nói xấu
Nói xấu người khác có thể nói là bệnh của rất nhiều người. Để bỏ được tật xấu này không phải là đơn giản. 
Nói xấu người khác xem chừng ra là điều hay, điều phải, điều tốt với người đi nói xấu. Họ nghĩ là họ hay và họ tốt hơn người khác chứ nếu họ không nghĩ thế thì làm sao họ nói xấu được. Nhưng, hết sức cẩn thận vì lẽ có khi lại là tác dụng ngược.
Câu chuyện kinh nghiệm về chuyện nói xấu người khác mà tôi nhớ như in trong trí tôi mãi cho đến bây giờ. Dẫu rằng câu chuyện dạy cho tôi đừng đi nói xấu người khác tôi học từ còn bé. Có lẽ vì thế mà tôi tránh được cái tật xấu này trong đời. 
Chuyện là ngày xưa ở gần xứ tôi ở có hai cha kia ở chung với nhau. Sau một thời gian, một cha được đưa đi và một cha được ở lại. Cộng đoàn nữ tu giúp xứ đó cũng thế. Có 2 chị em thì một chị ra đi và một chị ở lại. Chị ở lại cũng chả bao lâu rồi cũng ra đi. 
Vòng luân chuyển trong đời tu và phục vụ là chuyện bình thường. 
Cha ở lại gặp Chị phụ trách cộng đoàn chào Chị khi Chị trình diện với Cha là Chị đến xứ để phục vụ. Cha vui vẻ chào. Sau lời chao là một chuỗi dài nói xấu về người chị của Chị vừa rời khỏi xứ cùng với cha ngày xưa ở chung. 
Nữ tu ấy nghe và cứ ngẫm nghĩ mãi : “Chả lẽ cha đó nói Chị mình như vậy ? Chị mình như vậy hay sao ta ? À ! Mà cũng hay hay ! Cha đó còn đi nói xấu anh em cùng dòng với cha đó được thì cha đó đi nói xấu chị em mình là chuyện bình thường thôi. Cũng chả lạ gì để mình nghĩ cả ...”.
Thời gian dần trôi. Thức lâu mới biết đêm dài ! Cứ dần dần, con người của Cha đi nói xấu Chị của nữ tu mới về cùng với cha kia nó lộ dần. Và thời gian cứ trôi dần, nữ tu dần dần nhận rõ hơn tính cách và hiểu được cha đó hơn. Nữ tu ấy nghĩ lạ : “Dĩ nhiên cũng là con người. Tu thì tu, linh mục là linh mục nhưng cũng còn là mang trong mình thân phận con người nhưng sao vị này kỳ quá !” 
Kèm theo chuyện đi nói xấu người khác đó là tính kiêu ngạo. Cha nhiều lần nói với nữ tu mới về rằng rằng thì là không ai có thể thay thế vị trí của Cha được. Tưởng chừng chỉ mình nữ tu đó nghe như thế nhưng cả nhóm xe ôm đều nghe như thế. Nhóm xe ôm ngạc nhiên hỏi nữ tu là chuyện gì vậy sao Cha đó đi nó như thế thì nữ tu chỉ biết cười và im lặng. 
Thời gian dần trôi, Cha cũng phải ngưng công việc và giao cho người khác. Điều trớ trêu là người khác về thay thế còn làm tốt và đẹp hơn người cũ. 
Chả hiểu sao tôi lại là người được nữ tu ấy kể lại câu chuyện đó như là một bài học để dạy tôi rằng tôi đừng bao giờ đi nói xấu người khác. Tôi thầm cảm ơn nữ tu đó đã dạy cho tôi bài học đừng nói xấu người khi ngày tôi còn bé. 
Mùa Chay Thánh, chúng ta được mời gọi “hãy xé lòng! Đừng xé áo!” Lời mời gọi ấy rất thiết thực trong đời sống của người Kitô hữu. Người Kitô hữu luôn được mời gọi trở về và sám hối để được đón nhận ơn tha thứ. 
Bản thân tôi cũng không đi khác con đường mà bao Kitô hữu khác đang đi trong Mùa Chay Thánh này. Tôi vẫn dùng nhiều thời gian để lặng lại để nhìn lại cuộc đời mình và xét duyệt mình lại chuyện nói xấu người khác. 
Nhớ lại câu chuyện của vi linh mục ngày xưa đó. Tôi thầm cảm ơn Cha vì Cha đã dạy cho tôi bài học thiết thực trong cuộc sống là đừng bao giờ đi nói xấu ai cả. Có khi mình đi nói xấu người khác thì bị tác dụng ngược. Người nghe họ không nghĩ người bị nói xấu là xấu nhưng người nghe từ từ sẽ xác minh rằng người đi nói xấu người khác mới là người xấu thật. Đơn giản là người tốt thì bất cứ giá nào người ta cũng không đi nói xấu người khác. Đặc biệt ở vị linh mục này lại là đi nói xấu không kể một ai, nhất là anh em linh mục cùng dòng với mình. 
Đặc biệt hơn nữa là tính tự cao tự đại và tuyên bố nhiều lần không ai thay được mình. Tôi thầm nghĩ Đức Giáo Hoàng qua đời thì cũng có vị khác lên thay chứ huống hồ chi là một linh mục coi xứ hay coi cái gì đó. 
Và tôi đọc được câu nói rất hay: “Nếu ghét một người, tức là bạn đang thất bại trước người đó”. Câu nói này nghĩ cũng hay và đúng đấy chứ! 
Và khi nói đến chuyện nói xấu, chắc có lẽ nhiều người biết câu chuyện của Thánh Philiphê Nêri ra việc đền tội cho một bà đi nói xấu: vặt lông con gà rồi đi rải quanh phố, sau đó đi lượm lông lại. Người phụ nữ ngạc nhiên, bà phản ứng lại vì việc đền tội thứ nhì không thể làm được. Bài học của Thánh Nêri: “Vậy thì con ơi, nói xấu cũng như lông gà đã bay theo gió. Lời nói xấu của con đã bay tứ phía; bây giờ con chụp lại nếu có thể…! Vậy thì con ra về và đừng phạm tội nữa.” 
Tôi thì đơn giản như thế này. Nghe một người xưng tội nói xấu người khác. Tôi cầm trái bông gòn và tôi đưa cho hối nhân cầm và mang ra cổng, rút bông trong gối thả bay lung tung tản mác khắp nơi. Sau khi cho bông bay đi khắp nơi tôi quay sang nói với người xưng tội : “Bây giờ chị có thể thu gom lại tất cả những sợi bông đang bay đó lại được hay không?” Chị này nói : “Thưa không, điều ấy không thể được!” Nghe như thế, tôi nhẹ nhàng nói : “Thế thì những lời nói của chị không khác gì những sợi bông kia vậy! 
Nhiều người có thói quen ưa nói lỗi lầm của người khác. Và đôi khi chính họ không nhận thấy thói quen ấy và chỉ nhận diện được nó sau khi đã nói xong. Vậy thì động cơ ở đằng sau việc nói lỗi lầm của người khác, đằng sau xu hướng muốn hạ thấp người khác là gì? Đó là lòng tự cao tự đại và tôn mình lên cũng như muốn đạp người khác xuống. 
Chúa luôn luôn không thích hay nói thẳng ra là ghét kẻ kiêu ngạo. Kiêu ngạo chính là đầu mối của các tội. Chính vì thế, ta luôn luôn xin Chúa cho ta cái ơn gọi là ơn khiêm nhường để đừng bao giờ kiêu ngạo. Chỉ có khiêm nhường nhìn nhận mình là người tội lỗi thì mới tránh được tội nói xấu người khác. 
Tôi luôn tự nhủ thầm rằng tôi mong manh và yếu đuối để rồi tôi luôn luôn nhắc nhớ mình đừng đi nói xấu người khác. Kinh nghiệm còn đó của vị linh mục kia là đi nói xấu người khác để rồi cuối cùng vị nữ tu đã coi khinh vị linh mục đó và bị mất đi một thần tượng mà ban đầu nữ tu đó đã cung kính. 
Lm. Anmai, CSsR

Cảm nhận về Chúa quan phòng

https://tgpsaigon.net/bai-viet/cam-nhan-ve-chua-quan-phong-68279
Cảm nhận về Chúa quan phòng

TGPSG -- "Cứ ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng nơi Ngài, Ngài sẽ ban ơn" (Tv 36) – Và tất cả mọi việc đã xoay chiều chỉ sau một cuộc điện thoại…

Vào khoảng năm 2000, tôi đang tập tễnh bước vào nghề thầu xây dựng. Hoàn cảnh kinh tế lúc bấy giờ rất khó khăn, để kiếm được một đối tác nhận thầu khoán một khối lượng công việc trong công trình lớn là một điều không phải dễ.

Và rồi cơ hội cũng đến với tôi qua giới thiệu của một người bạn. Một công ty đã gọi điện cho tôi, đặt vấn đề giao khoán cho tôi nhận một khối lượng công việc tương đối lớn. Đây là cơ hội rất tốt để cho tôi thăng tiến nghề nghiệp, cũng như cải thiện kinh tế gia đình trong hoàn cảnh rất khó khăn thời bấy giờ. Vấn đề đặt ra là phải đáp ứng đủ ba điều kiện để ký hợp đồng: phải có tối thiểu 20 nhân công, phải có phương tiện máy móc thi công đầy đủ, và phải chuẩn bị cho có đủ hai điều kiện này trong vòng 3 ngày.

Tôi phấn khởi ra mặt nhưng cũng không kém phần lo lắng. Điều khó khăn nhất của tôi là làm sao để có được 20 nhân công làm việc trong lúc này. Tôi gọi điện cho những người anh em quen biết, bắt đầu từ những người thân thiết nhất cho đến những người mới quen. Đa số đều lắc đầu, chỉ một hai người miễn cưỡng nhận lời cho qua chuyện. Thời gian cứ thế trôi đi cho đến cái đêm trước ngày ký hợp đồng, tôi trằn trọc mãi không ngủ được, nghĩ rằng bản thân mình đã cố gắng hết sức rồi, thôi thì ra sao cũng được.

Chợt nhớ đến Chúa, tôi thầm cầu nguyện: "Lạy Chúa, con xin dâng tất cả những sự lo lắng của cuộc sống này cho Chúa, Xin Chúa ban ơn giúp sức cho con". Và rồi giấc ngủ cũng đến với tôi.

Đã tới thời gian đi đến điểm hẹn làm việc với công ty đó. Tôi nặng nề dắt xe ra đường, đầu óc trống rỗng, không thể suy nghĩ thêm được một điều gì nữa. Chiếc xe hầu như cũng hiểu được tâm trạng của chủ nó nên cứ chầm chậm mà tiến tới cách ngại ngần. Bỗng chiếc điện thoại trong túi quần rung lên rất lâu. Tôi lái xe vào lề đường, cầm điện thoại, thấy một số lạ. Tôi bấm máy và đầu dây bên kia một giọng nói cũng hơi quen quen vang lên: "Anh ơi, có việc gì làm không? Em đang không có việc làm và có một số anh em nữa cũng đang cần việc làm. Nếu có công việc gì làm thì anh sắp xếp cho tụi em làm với…"

Không thể tả được niềm vui của tôi lúc ấy, tất cả mọi việc xoay chiều chỉ sau một cuộc điện thoại. Tôi rồ ga chạy như bay đến gặp đối tác và mọi việc sau đó đã diễn ra suôn sẻ, thuận lợi. Cuộc sống của tôi cũng tốt đẹp hơn kể từ đó, đúng như lòng thầm ước.

Dù đời vẫn có rất nhiều khó khăn thử thách, tôi luôn ý thức rằng: Tất cả mọi việc xảy ra trong cuộc đời đều không phải là ngẫu nhiên mà hoàn toàn có sự can thiệp của bàn tay Thiên Chúa. Chúng ta chỉ biết cố gắng làm việc hết mình, còn thành công hay thất bại đều là do ý định của Thiên Chúa. 

Don Bosco Trần Thủy (TGPSG)

Trải nghiệm lên núi với Chúa và với nhau
Trong hành trình mùa chay

Trải nghiệm lên núi với Chúa và với nhau Trong hành trình mùa chay | Linh mục | hiệp thông Loan bao Tin mừng

“Nào cùng go trekking!” là lời mời gọi thu hút nhiều kẻ bộ hành trong vài năm gần đây. Những người tham gia (gọi là “trekker”) được dịp trải nghiệm và thử sức khám phá đồi núi với những con đường chưa có lối mòn vạch sẵn bằng chính đôi chân của mình. Điều đó đòi hỏi những kẻ bộ hành phải có sự quyết tâm và can đảm đối diện với mọi thách đố có thể xảy ra với mình trên cuộc hành trình.

Sứ điệp Mùa Chay 2023 của Đức Thánh Cha Phanxicô với chủ đề: “Khổ chế Mùa Chay và lộ trình hiệp hành” được vị cha chung gợi lên từ biến cố “biến hình” trên núi. Hình ảnh ba môn đệ thân tín cùng lên núi với Chúa Giêsu cho ta thấy dáng dấp của những “trekker”- những người leo núi bằng chính đôi chân của mình. Tuy có những khó khăn khi leo núi[1], nhưng ba môn đệ không đi một mình mà với Chúa và với nhau.

Trong bầu khí linh thánh của Mùa Chay hòa với không gian thinh lặng của dịp tĩnh tâm tháng, anh em chúng ta cùng nhau dừng lại ở kinh nghiệm leo núi với Chúa và với nhau của ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan; đồng thời, hãy thử một lần đặt chính chúng ta trong hành trình này để trải nghiệm và kín múc những kinh nghiệm thiêng liêng cho đời sống và sứ vụ linh mục của mình.

Trong hành trình lên núi với Chúa và với nhau của ba môn đệ năm xưa, ta nhìn ra 3 điểm thực tế và ý nghĩa:

1. Chấp nhận leo núi 

Người ta không thể thực hiện việc lên núi cao mà trước đó họ đã không chấp nhận việc leo núi. Để có thể lên núi, họ phải từ bỏ một điều gì đó đang ràng buộc mình dưới núi. Đó có thể là công việc thường ngày, là thói quen hằng ngày để có thể chinh phục ở môi trường mới với nhiều thách đố. Đó cũng có thể là lúc phải từ bỏ những dễ chịu hằng ngày của bản thân để đáp trả lời mời gọi lên đường đầy khổ chế của một ai đó có ý nghĩa với cuộc đời mình.

Sáu ngày kể từ khi Thầy Giêsu loan báo cuộc khổ nạn và phục sinh lần đầu tiên với tập thể 12 môn đệ, có lẽ nhiều môn đệ chưa thể hiểu nổi những lời mà Thầy vừa nói. Vì lời loan báo ấy xa vời với những tư tưởng, ước muốn và cả dự phóng của họ. Đang trong tình cảnh ấy, trong số mười hai anh em, ba môn đệ thân tín mang tên Phêrô, Giacôbê và Gioan là những người được chọn để “đi riêng ra một chỗ, tới ngọn núi cao” (Mc 9,2). Trước đó, ba môn đệ này đã được diễm phúc chứng kiến phép lạ Chúa làm cho con gái ông Giairô sống lại (Mc 5,37) và cũng ba môn đệ này sẽ được ở bên Chúa trong vườn Dầu sau này (Mc 14,33).

Trong Kinh thánh, núi là nơi mà Thiên Chúa tỏ hiện và cũng là nơi mà con người có cơ hội để gặp gỡ Thiên Chúa. Quả thật, nơi ngọn núi cao hôm ấy, Chúa đã biến hình và ba môn đệ ấy đã có trải nghiệm gặp gỡ và lắng nghe tiếng Chúa.

Trên hành trình 40 ngày chay thánh mà chúng ta đang sống và trải nghiệm, chúng ta cũng đọc được kinh nghiệm tuyệt vời của các môn đệ năm xưa nơi đời sống và sứ vụ của chúng ta hôm nay. 40 ngày ân phúc này không phải là thời gian “đến rồi lại đi” như những Mùa Chay trước nhưng nên chăng là một cơ hội mà chúng ta tận dụng để “đi riêng ra một chỗ, tới ngọn núi cao” nghĩa là được tách ra khỏi sự tầm thường và phù phiếm[2], tới nơi Thiên Chúa sẽ tỏ hiện và chúng ta có cơ hội gặp gỡ với Ngài. Đó là những khung giờ quen thuộc hằng ngày: thời gian của dâng ngày sáng, của nguyện gẫm, thánh lễ, kinh thần vụ, viếng Chúa và lần chuỗi Mân côi… Hay đó cũng là những dịp chúng ta tĩnh tâm tháng, tĩnh tâm quý hay tĩnh tâm năm.

Nói đến cơ hội “tách riêng ra và gặp gỡ” với Chúa, anh em linh mục có đầy đủ những cơ hội đó trong ngày sống của mình. Nhưng phải chăng, bấy lâu nay, chúng chỉ là những việc bổn phận mà chúng ta buộc phải chu toàn hơn là cơ hội để chúng ta gặp gỡ; hoặc rất có thể, chúng là những việc mà chúng ta đã sắp xếp “đi riêng ra một chỗ” nhưng lúc ấy, cõi lòng chúng ta lại xốn xang và băn khoăn với nhiều công việc mục vụ đang dở dang.

Khi nhìn những “trekker” trong hành trình chinh phục núi đồi và bản thân, họ sẽ không đi theo lối mòn đã có sẵn, nhưng họ muốn chính mình tự tạo thêm những cơ hội để khám phá thiên nhiên.

Lắm lúc, chúng ta cũng thường xuyên đi theo lối mòn của những việc thiêng liêng “làm xong thì yên tâm”. Điều này tạo ra một sự nhàm chán hoặc đôi lúc trở nên một gánh nặng. Cho nên, ước mong các linh mục của Chúa không chỉ dừng lại ở việc chu toàn những chuyện “bấy nhiêu” nhưng biết tạo thêm những cơ hội cho riêng mình để có thể gặp gỡ Chúa trong đời sống hằng ngày và trong các công việc mục vụ, để tình bạn hữu với Chúa và chúng ta được gắn bó và triển nở hơn. Vì “cầu nguyện là nền tảng của đời sống thiêng liêng. Lúc cầu nguyện chúng ta nối liền, kết hợp với Thiên Chúa. Bóng điện sáng nhờ nối liền với máy phát điện” (x. ĐHV 120).

Quả thật, nói đến việc “đi riêng ra một chỗ, tới ngọn núi cao” nơi biến cố biến hình này mở ra cho chúng ta thấy một thực hành quen thuộc mà Giáo hội vẫn kêu gọi con cái mình trong Mùa Chay đó là cầu nguyện. Và cách thức cầu nguyện mà Thiên Chúa ước mong nơi Tin mừng ngày thứ Tư lễ Tro - đầu Mùa Chay thánh chẳng phải là “vào phòng đóng cửa lại mà cầu nguyện với Đấng thấu suốt mọi bí ẩn” (Mt 6,6) đó sao?

 Tuy nhiên, đời sống linh mục giáo phận không phải lúc nào cũng nhịp nhàng, chạy êm xuôi theo thời khóa biểu nhưng sẽ có những công việc đột xuất diễn ra. Dù vậy, chúng ta ý thức rằng: trong cả khi lao tác, làm việc mục vụ và chăm sóc bệnh nhân, chúng ta có thể biến chúng thành một giờ cầu nguyện. Đức TGM Fulton Sheen có lần đã chia sẻ:

Một cuộc sống quân bình không trì hoãn việc cầu nguyện cho đến khi làm xong công việc nhưng nó chuyển chính công việc thành lời cầu nguyện. Chúng ta làm điều này khi chúng ta hướng về Thiên Chúa lúc bắt đầu và khi kết thúc mỗi công việc và dâng chúng vì tình yêu Thiên Chúa… Bất cứ công việc lương thiện nào được thực hiện cách hoàn hảo đều có thể chuyển thành một lời cầu nguyện.[3]

2. Đón nhận Lời Chúa 

Từ trong đám mây có tiếng phán rằng:“Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe Lời Người” (Mc 9,7). Sau khi các ông được chiêm ngưỡng việc Chúa biến hình cách kỳ diệu, ba môn đệ đã được Chúa Cha mời gọi phải đón nhận lời của Thầy Giêsu và hết lòng vâng nghe.

Thật vậy, bởi vì Đức Giêsu đã thay cho Lề luật xưa. Trong mọi việc Người làm hay nói, chính Người thể hiện trọn vẹn và dứt khoát ý muốn của Chúa Cha. Người là vị tiên tri mà Môsê đã loan báo cho tương lai và truyền phải vâng nghe (x. Đnl 18,15).

Đức Giêsu còn hơn là một Môsê mới vì chính Người là Luật mới. Người không chỉ là trung gian mới của mặc khải mà còn là sự tự mặc khải mới cho con người trong viên mãn.[4] Như thế, lời mời gọi của Chúa Cha với ba môn đệ năm xưa đã thôi thúc các ông không chỉ vâng nghe bằng cả trí lòng mà bằng cả cuộc sống theo chân Thầy và chấp nhận những gian lao giống Thầy.

Những “trekker” cùng nhau tiến bước trên đồi núi dù chuyên nghiệp đến mấy nhưng vẫn cần sự hướng dẫn của chiếc la bàn trong hành trình di chuyển của mình để có thể đi đúng hướng, xuống núi và trở về. Nếu không nghe theo sự hướng dẫn ấy và tự tin với sức mình, đôi lúc họ sẽ lạc hướng và gục ngã.

Cũng thế, dù thông thạo tri thức triết-thần và các khả năng quản trị và mục vụ, các linh mục của Chúa cũng cần Lời Chúa như kim chỉ nam, như chiếc la bàn định hướng cho đời sống và sứ vụ của mình. Đôi lúc, các linh mục cảm thấy việc đọc và nguyện gẫm hằng ngày như một gánh nặng, nhất là những ngày đầy sự kiện và công việc mục vụ chồng chất. Với những điều đó, không ít người trong chúng ta đã dần dần nguội lạnh với Lời. Và đó phải chăng là lý do mà những bài chia sẻ hằng ngày với đoàn chiên thiếu “chất Tin mừng” mà toàn là những thông tin thời sự.

Cho nên, trong đời sống hằng ngày, khi anh em linh mục cố gắng tạo cho chính mình cơ hội để đọc, nghiền ngẫm, lắng nghe Lời và thực thi Lời thì điều đó trở nên như một của lễ hy sinh đáng trân quý. Ngay trong việc lắng nghe và thực thi Lời là một khổ chế thật sự trong Mùa Chay vì Lời Chúa đôi khi buộc chúng ta “lội ngược dòng” với đời sống của thế tục. Như thế, Mùa Chay thật sự là thời gian ân sủng để chúng ta lắng nghe Lời khi Ngài ngỏ lời với chúng ta trong Lời Chúa được công bố trong phụng vụ, qua khuôn mặt của những anh chị em cần sự giúp đỡ.[5] Nếu mỗi người biết dành thời gian nguyện gẫm với Lời Chúa, chúng ta nhận ra tình thương của Chúa dành cho mình, ý muốn của Chúa trên cuộc đời mình và quảng đại đáp trả bằng chính cuộc sống của mình. Thánh Bênađô nói thêm: “Nguyện gẫm thanh tẩy trí khôn, hướng dẫn tình cảm, điều khiển hành động, sửa chữa quá khích, tạo ra nếp sống, thanh lọc và trật tự hóa cuộc sống”[6].

Quả thật, việc ba môn đệ được mời gọi “đón nhận và vâng nghe Lời Chúa” nơi biến cố biến hình năm xưa mở ra cho chúng ta thấy một thực hành quen thuộc mà Giáo hội vẫn kêu gọi con cái mình trong Mùa Chay đó là luyện ăn chay, tập khổ chế. Ăn chay giúp ta nên giống Chúa và hãm dẹp bớt những sở thích, những đam mê mà đời sống thế tục vẫn thường làm và ưa chuộng. Ăn chay cũng là lúc biết từ bỏ những điều phù phiếm, thừa thãi để đi đến điều thiết yếu.[7] Chúng ta thường bị cám dỗ phớt lờ, không vâng nghe điều thiết yếu là Lời Chúa dạy mà lại nghe theo tiếng xác thịt của mình réo gọi. Dần dần cặp mắt tâm hồn chúng ta lại trở nên mù tối bởi những chiều chuộng cho thân xác của mình quá nhiều. Cho nên việc ăn chay sẽ giúp chúng ta xóa ý riêng dần dần, làm chủ đam mê và sở thích của mình để nhường chỗ cho Lời của Ngài. Và dần dần cặp mắt tâm hồn của chúng ta sẽ ngày càng trong sáng để nhìn thấy Chúa hiện diện nơi cuộc đời mình rõ nét hơn.

Thật thấm thía và ý nghĩa với lời nguyện nhập lễ của Chúa nhật II Mùa Chay mà Giáo hội khẩn cầu: “Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con phải vâng nghe Con yêu dấu của Chúa; xin lấy Lời hằng sống nuôi dưỡng đức tin của chúng con, nhờ vậy cặp mắt tâm hồn chúng con sẽ trong sáng để nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện trong cuộc đời chúng con”.

3. Chân nhận anh em

Với giây phút Chúa biến hình, Phêrô cùng với hai môn đệ Gioan và Giacôbê đã ngây ngất trước cảnh tượng vĩ đại này. Các ông đã được Chúa Cha cho thấy sự cao trọng thánh thiêng vốn được ẩn giấu che khuất bởi bề ngoài rất đỗi bình thường của Thầy mình. Phêrô muốn dựng lều để tìm kiếm một nơi ở, một chỗ nghỉ ngơi để kéo dài thời gian bên Chúa hơn nhưng Thầy Giêsu muốn các ông “xuống núi” và tiếp tục cuộc sống thường ngày. Bởi vì Thầy cũng cần “xuống núi” để tiếp tục sứ vụ và tiếp tục lên những ngọn núi khác. Bởi vì ba môn đệ vẫn còn sống cùng, sống với anh em nhóm Mười hai. Và quan trọng là cùng với Thầy, họ còn cả một sứ vụ cao cả với đoàn chiên phía trước là những người anh em con cùng một Cha đang chờ đợi sự chăm sóc và yêu thương.

Sau những ngày tháng lên núi để trải nghiệm, khi có dịp tiến bước cùng nhau, những “trekker” được cơ hội sống tinh thần hiệp thông và tương trợ lẫn nhau. Nhưng họ cũng không ở mãi với nhau trên núi mà “xuống núi” để tiếp tục sống mối tương quan với người khác, để tiếp tục sẻ chia những hiểu biết, những khám phá đầy mới mẻ ấy của họ cho những người mà họ gặp gỡ.

Cũng thế trong suốt hành trình “lên núi” và “xuống núi”, việc tiến bước cùng nhau và bên nhau của ba môn đệ năm xưa với sự đồng hành của Thầy Giêsu giúp chúng ta liên tưởng đến tiến trình hiệp hành của Giáo hội. Chính Chúa Giêsu muốn chia sẻ kinh nghiệm ân sủng này với ba môn đệ chứ không giữ lại cho riêng mình, cũng như toàn bộ đời sống đức tin của chúng ta là một trải nghiệm được sẻ chia. Chính trong sự liên đới với nhau mà chúng ta bước theo Chúa Giêsu. Và là một Hội thánh lữ hành giữa dòng thời gian, chúng ta cùng nhau trải nghiệm Mùa Chay; cùng tiến bước với anh chị em mà Chúa đã đặt bên cạnh chúng ta như những người bạn đồng hành.[8]

Đồng thời, đời sống linh mục trở nên có ý nghĩa khi thường xuyên nghĩ về và sống hết mình với đoàn chiên. Đời sống các linh mục không chỉ được kết nên bằng những giây phút “đi riêng ra một chỗ, tới ngọn núi cao” để gặp gỡ Chúa nhưng còn là việc đem kinh nghiệm thiêng liêng của cuộc gặp gỡ đó “xuống núi” để trao gửi cho anh chị em của mình. Với ân sủng của Chúa trao ban, chúng ta sẽ trở nên “những nghệ nhân của tính hiệp hành” trong cuộc sống thường ngày tại các cộng đoàn của chúng ta.[9]

Cụ thể với giáo phận Phú Cường, trong tâm tình mục tử đầu năm Phụng vụ mới, Đức cha Giuse - Giám mục giáo phận - đã mời gọi toàn thể giáo phận sống chủ đề:“Hiệp thông loan báo Tin mừng” vì đó là một trách vụ quan trọng và cũng là một nhu cầu sống còn của cả giáo phận. Thiết nghĩ, để hiệp thông cùng nhau loan báo Tin mừng, chúng ta phải là người hiệp thông với Chúa, có mối tương quan gắn bó với Chúa trong việc chầu Thánh Thể, suy niệm Lời Chúa, cầu nguyện, xét mình hằng ngày, lần chuỗi Mân côi…

 Kế đến, như ba môn đệ đã được ơn nhìn thấy Chúa Giêsu trong vinh quang - một vẻ đẹp trổi vượt hơn những nỗ lực leo núi của các ông - như trong bất kỳ cuộc leo núi gian nan nào, đang khi leo chúng ta phải hy sinh, chăm chú, nhưng bức tranh toàn cảnh cuối lộ trình gây bất ngờ và đền đáp cho chúng ta những điều hết sức kỳ diệu. Trong tiến trình hiệp hành, khi tiến bước cùng nhau, chúng ta gặp không ít những trục trặc, khó khăn, thiếu bác ái, gây nản chí. Tuy nhiên, chắc hẳn, ở phía cuối tiến trình này sẽ là những điều rất kỳ diệu đang chờ đợi chúng ta.[10]

Sau cùng, việc “chân nhận anh em” nơi biến cố biến hình này không chỉ mở ra cho chúng ta thấy một tiến trình hiệp hành mà còn gợi ý cho chúng ta một thực hành quen thuộc mà Giáo hội vẫn kêu gọi con cái mình trong Mùa Chay đó là làm việc bác ái. Khi chân nhận những đóng góp của người anh em, của người đồng hành là lúc chúng ta đang sống bác ái. Điều này rất quan trọng trong công cuộc loan báo Tin mừng vì nếu thiếu đi tình bác ái huynh đệ thì công cuộc loan báo Tin mừng cũng sẽ không tiến triển.[11] Khi nỗ lực tiến bước, cùng nhau làm việc, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm thiêng liêng “trên núi” là chúng ta đang hiệp thông loan báo Tin mừng.

Cụ thể, trong những biến động trên thế giới hôm nay, chúng ta cùng nhau mở tai lắng nghe anh chị em đang gặp khó khăn trong đời sống gia đình, lắng nghe những tiếng kêu than của đồng bào Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, với những tàn tích của cơn địa chấn; lắng nghe những đau khổ của những anh chị em sống dưới làn súng đạn tại Ukraine và hiệp ý cầu nguyện cho họ. Những điều đó cũng là điều đáng trân quý trên tiến trình hiệp hành mà Giáo hội, cách riêng giáo phận chúng ta đang sống và bước đi.

Đôi lúc, chúng ta cần để ý cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng hàng tháng cho một nhu cầu nào đó của tha nhân. Đây chính là lúc chúng ta đang chân nhận những người cùng tiến bước là anh chị em. Đặc biệt, trong Mùa Chay năm nay, chúng ta cầu nguyện cho hòa bình thế giới, cách riêng cầu nguyện cho những người đang chịu đau khổ bởi chiến tranh tại đất nước Ukraine hơn 1 năm qua.

TẠM KẾT

Vào chiều ngày 21/02/2023 vừa qua, cha Grynevych - Tổng thư ký Caritas của Spes, Ukraine - đã yết kiến Đức Thánh Cha Phanxicô tại nhà trọ Thánh Marta. Ngài đã chia sẻ cho vị cha chung về những gánh chịu của người dân Ukraine suốt 1 năm chiến tranh; và đồng thời, ngài trao tặng cho Đức Thánh Cha các bài suy niệm Đàng thánh giá - là những kinh nghiệm về chiến tranh của chính họ, và cây thánh giá làm từ kính vỡ và gạch vụn từ các tòa nhà bị phá hủy ở Kiev. Trong cuộc gặp gỡ này, Đức Thánh Cha đã rất xúc động, đau đớn và ngài lặp đi lặp lại nhiều lần: “Hãy nói với mọi người rằng tôi nỗ lực làm mọi thứ mà tôi có thể làm, tất cả mọi thứ mà tôi có thể làm”.

Mùa Chay thánh năm nay của thế giới vẫn còn những tiếng khóc và đau đớn của chiến tranh, của hậu quả động đất. Trải nghiệm lên núi với Chúa và với nhau trong ít phút vừa qua cũng thế. Trải nghiệm này cũng đã cho chúng ta khám phá không ít những đau khổ trên con đường theo Chúa, đặc biệt trên tiến trình hiệp hành. Mùa Chay thánh năm nay, ước chi chúng ta biết kết hợp những khổ chế, hy sinh của đời mình trên hành trình leo núi với Chúa và với nhau để cầu nguyện cho anh chị em của chúng ta.

 VẤN TÂM

Có lần Đức Giáo hoàng Phanxicô sánh ví cuộc sống chúng ta là một “quyển sách quý giá nhất” được trao cho chúng ta - một quyển sách mà nhiều người hối tiếc đã không đọc hoặc đọc quá muộn trước khi chết. Giây phút của dịp tĩnh tâm là thời gian cần thiết để ta đọc lại một lần nữa cuộc đời mình dưới ánh sáng của Lời Chúa.

Trong chúng ta, không ai xa lạ với bà Chiara Lubich - người sáng lập phong trào Focolare. Bà đã chia sẻ sâu sắc liên quan đến chuyến đi của con người về với Thiên Chúa.[12] Bà đưa ra những câu hỏi cho các độc giả của mình xét mình. Qua đó, xin gợi mở thêm một vài ý hướng giúp ích cho đời sống và sứ vụ mục tử của chúng ta.

Hãy nghĩ xem mình đã thật sự dấn thân vào “chuyến đi” cuộc đời chưa? Chúng ta hãy dừng lại trong giây lát, đọc lại quyển sách đời mình:

1/ Trong đời sống cầu nguyện, chúng ta đã tiến đến đâu trong việc bỏ mình,“tách ra những cái tầm thường và phù phiếm” để tìm cơ hội gặp gỡ Thiên Chúa?

2/ Trong khi luyện ăn chay, tập khổ chế, chúng ta đã tiến đến đâu trong việc thực thi ý muốn của Thiên Chúa? Chúng ta có ngoan ngùy và can đảm để cho Lời Chúa hướng dẫn mình?

3/ Trong tình bác ái huynh đệ, chúng ta đã tiến đến đâu trên lộ trình hiệp hành? Chúng ta có chia sẻ Tin mừng cho nhau, nâng đỡ nhau và cùng nhau loan báo Tin mừng cho người khác, có cầu nguyện cho anh chị em đang gặp đau khổ trên thế giới?

Nếu có, chúng ta hãy tạ ơn Chúa và tiếp tục tiến bước; và nếu không, ngay thời gian Mùa Chay này, chúng ta hãy bắt đầu lại và tiến lên.

LM Phêrô Nguyễn Tuấn Anh

 https://giaophanphucuong.org/bai-viet-%E2%80%93-chia-se/trai-nghiem-len-nui-voi-chua-va-voi-nhau-trong-hanh-trinh-mua-chay-%7C-linh-muc-31481.html

[1] Phan Tấn Thành, việc leo núi hàm ngụ sự vất vả (các giáo phụ liên kết ascensio - đi lên với ascesis - khổ chế. http://catechesis.net

[2] Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay 2023.

[3] Fulton Sheen, Cuộc đời đáng sống, chuyển ngữ Mortfort Phạm Quốc Huyên & Eymard Nguyễn Trọng Tôn (Đồng Nai, 2018) 110.

[4] Raniero Cantalamessa, Đức Kitô của cuộc biến hình, chuyển ngữ Lm.Trần Đình Quảng (Đồng Nai, 2022) 49.

[5] Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay 2023.

[6] Benoit Valuy S.T., Đời sống linh mục, 3.

[7] Phanxicô, 10 lời khuyên sống 40 ngày mùa chay (22/2/2023).

[8] Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay 2023.

[9] Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay 2023.

[10]Ibid.

[11] Phanxicô, Kinh Truyền Tin 12h trưa Chúa Nhật ngày 3/7/2022.

[12] Monfort Phạm Quốc Huyên O.Cist, Cuộc đời là một chuyến đi, 38.