Caritas Thanh Hóa: Mùa Chay – Mùa Của Bác Ái Yêu Thương

Ngày đăng: 4:39 PM - 27/02/2023

 

Đức Thánh Cha Phanxico trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2023 nhấn mạnh “trong Mùa Chay, chúng ta được mời gọi đi lên “một ngọn núi cao” cùng với Chúa Giêsu và sống một kinh nghiệm thiêng liêng đặc biệt – sự khổ chế – như dân thánh của Thiên Chúa”. Đáp lại lời mời gọi của vị Cha Chung, thứ Tư Lễ Tro - 22/02/2023 vừa qua, ngày mở đầu hành trình 40 ngày chay Thánh, Caritas Thanh Hóa đã đến với bà con dân tộc vùng cao tại Mường Lát để gặp gỡ, để trao tặng những món quà yêu thương, nhằm hỗ trợ bà con đang còn khó khăn, nghèo đói.

Niềm vui của bà con bản Tà Cóm (Trung Lý) đi nhận quà
Bản Suối Học (Trung Lý ) đi nhận quà
Trao quà tại Bản Selo (Mường Lý)


Mùa Chay Thánh là cơ hội giúp mỗi tín hữu Công giáo trở về với Chúa, trở về với chính mình và đến với tha nhân bằng việc sám hối ăn năn, cầu nguyện, hy sinh, làm việc bác ái. Hành trình 40 ngày chay thánh là hành trình yêu thương mà Thiên Chúa đã đi qua để đổi lấy sự sống mới cho con người. Và mỗi người chúng ta cũng đi lại hành trình đó không phải là hành trình đau khổ mà là hành trình yêu thương, yêu thương không bằng đầu môi chót lưỡi mà bằng những việc làm cụ thể, bằng tấm lòng sẻ chia, bằng sự lên đường đến vùng ngoại biên, vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh để xoa dịu, để chữa lành và để sống tinh thần hiệp thông với anh chị em của mình.

Bản Selo (Mường Lý)


Caritas Thanh Hóa qua sự nối kết rộng rãi và tấm lòng sẻ chia, bác ái của quý ân nhân trong và ngoài nước đã muốn cùng Chúa bước vào Mùa Chay Thánh với anh chị em tín hữu vùng cao bằng một cuộc hành trình đầy vất vả, con đường đồi núi quanh co, khúc khủy, đường đến các bản làng tại Mường Lát khó khăn nhưng điều đó càng làm cho hành trình này mang ý nghĩa sâu sắc hơn khi nó được thực hiện vào đúng ngày Thứ Tư Lễ Tro trong năm toàn thể Giáo Hội đang sống tinh thần Hiệp Hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Hành trình đó chứa đựng nhiều sự hy sinh, nhiều tình yêu thương của các Cha, các Sơ, của quý ân nhân đặc biệt là anh chị Tâm Lan vị ân nhân chính đã vượt hàng nghìn cây số để đến với bà con dân bản để chứng kiến cuộc sống khó khăn, nghèo khổ, vất vả của bà con, để trèo đèo, lội suối, vượt sông gian nan giống như Đức Thánh Cha nói “Giống như một cuộc leo núi, chúng ta cần phải khởi hành một lộ trình khó khăn đòi hỏi nỗ lực, hy sinh và tập trung. Những điều kiện tiên quyết này cũng rất quan trọng đối với lộ trình Hiệp Hành mà, là một Hội Thánh, chúng ta đã dấn thân thực hiện. Sẽ thật hữu ích khi chúng ta suy tư về mối tương quan giữa khổ chế Mùa Chay và trải nghiệm Hiệp Hành.”
 

Bà con bản Suối Học đi nhận quà
Sự đáng yêu của trẻ em H’Mong


 “Như trong bất kỳ chuyến leo núi gian nan nào, đang khi leo, chúng ta phải chăm chú nhìn vào con đường; nhưng bức tranh toàn cảnh mở ra ở cuối lộ trình gây bất ngờ và đền đáp cho chúng ta bởi sự kỳ diệu của nó. Cũng vậy, tiến trình Hiệp Hành thường có vẻ như là một con đường khó khăn, và đôi khi có thể gây nản lòng. Tuy nhiên, điều chờ đợi chúng ta ở cuối hành trình chắc chắn sẽ là một điều gì đó kỳ diệu và ngỡ ngàng, điều đó sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý muốn của Thiên Chúa và sứ mạng dành cho chúng ta trong khi phục vụ vương quốc của Ngài.” (Sứ Điệp MC 2023). Thật đúng như vậy, bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu vất vả chẳng là gì khi chúng ta trao tặng một món quà vật chất nho nhỏ mà nhận lại niềm hạnh phúc lớn lao, nụ cười đơn sơ chân thành của bà con dân bản, lời cảm ơn toát lên từ trong ánh mắt, nụ cười của các em bé mặt mũi tuy còn lấm lem, nhem nhuốc nhưng trong sáng, ngây thơ, đáng yêu. Khi chúng ta cho đi chút ít mà nhận lại gấp trăm lần sự ấm áp, yêu thương, sự ấm áp yêu thương từ trong tận đáy lòng.


 Bác ái yêu thương không phải là điểm duy nhất được nhấn mạnh trong Giáo Lý của Chúa nhưng nó là thước đo đức tin, lòng mến của chúng ta với Thiên Chúa bởi vì như Thánh Gioan đã viết: “Nếu anh em không yêu thương người anh em mà mình trông thấy thì làm sao có thể yêu mến Thiên Chúa Đấng mà họ không thấy”. Kinh nghiệm đón nhận niềm hạnh phúc gấp trăm khi quảng đại sẻ chia yêu thương tràn ngập trong lòng đoàn từ thiện và trong lòng bà con dân bản. “Qua thập giá đến vinh quang” vượt qua quãng đường gian nan vất vả, đi qua những chuyến đò gập gềnh sóng nước, qua những ngọn đèo chênh vênh vách đá là cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, khốn khổ của bà con tại các bản làng, hy vọng rằng một chút quà nhỏ, sự viếng thăm, quan tâm của các Cha, các Sơ và quý ân nhân sẽ giúp họ vơi đi chút khó khăn. 

Hành trình yêu thương thật gian nan
Chuyến đò chuyên chở tình yêu
Hôm nay em sẽ không bị đói nữa


Xin cảm ơn những tấm lòng quảng đại của quý ân nhân xa gần đã chia cơm sẻ áo với người đói rách và xin mượn lời của vị Cha Chung Giáo Hội để cầu chúc tất cả mọi người, nhất là quý ân nhân của Caritas Thanh Hóa Mùa Chay Thánh năm 2023 nhiều ơn lành của Chúa, tràn đầy sự thánh thiện và bình an “Anh chị em thân mến, xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy và nâng đỡ chúng ta trong Mùa Chay này khi chúng ta lên núi với Chúa Giêsu, để cảm nghiệm được vẻ huy hoàng thần linh của Người. Và nhờ đó, chúng ta được củng cố trong đức tin, được tiếp tục kiên trì trong cuộc lữ hành cùng với Chúa Giêsu, Đấng là vinh quang của dân Người và ánh sáng của muôn dân”.

BTT. Caritas Thanh Hóa
Xin xem hình ảnh đầy đủ ở đây!

Nữ tu khoác áo blouse

https://tonggiaophanhue.org/tong-hop/cuoc-song/nu-tu-khoac-ao-blouse/

Soeur Maria Nguyễn Thị Kim Hoa hiện là Phó Trưởng khoa Ung bướu – Huyết học – Ghép tuỷ, Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế. Với tay nghề cao và tấm lòng tận tâm với trẻ, bác sĩ Kim Hoa là nhân vật chủ chốt trong kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân, thắp sáng hy vọng sống cho nhiều bệnh nhi…

Tận tâm với nghề

Từ một cô gái học chuyên toán, nguyện ước muốn dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa và theo nghề y, Soeur Nguyễn Thị Kim Hoa hiện là tu sĩ tại Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế. Trở thành viên chức tại BVTW Huế năm 2013, TS.BS. Kim Hoa dành hết tâm sức cho công tác chuyên môn. Để chuẩn bị cho lộ trình ghép tế bào gốc tự thân (GTBGTT), BVTW Huế cử TS.BS. Hoa đi học ở TP. Hồ Chí Minh, Mỹ, Nhật…

GTBGTT (hay còn gọi là ghép tủy) là quá trình thay thế các tế bào máu gốc bất thường bằng những tế bào máu gốc khỏe mạnh. Tế bào gốc được lấy từ chính bản thân bệnh nhân, lấy từ máu ngoại vi huy động hoặc dịch tủy xương. Bệnh nhân sẽ được điều trị hóa chất nhằm loại bỏ các tế bào ác tính còn sót lại, sau đó truyền tế bào gốc để phục hồi hệ thống, giúp rút ngắn giai đoạn suy tuỷ.

Tháng 11/2019, Trung tâm Nhi triển khai GTBGTT cho bệnh nhi mắc các bệnh lý ung thư khối mô đặc và hạch bạch huyết. Nhớ lại những ngày đầu triển khai kỹ thuật này, TS.BS. Kim Hoa rất lo lắng và áp lực song tất cả đều diễn ra một cách an toàn. Mỗi một lần truyền tế bào gốc, ê kíp thực hiện gồm 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng, 1 kỹ thuật Khoa Huyết học; đội ngũ này tiếp tục được đào tạo, nâng cao năng lực.

Khi đã làm chủ kỹ thuật, TS.BS. Nguyễn Thị Kim Hoa cho rằng, mỗi bệnh nhi có một quy trình điều trị khác nhau. Sau khi dùng hóa chất liều cao, thời gian chờ tủy “mọc” lại, bệnh nhân sẽ có các biến chứng về nhiễm trùng. Trường hợp khiến TS.BS. Kim Hoa nhớ mãi là một trẻ nhỏ người dân tộc thiểu số 2 tuổi, bị u nguyên bào võng mạc di căn. Trong quá trình ghép, bệnh nhân sốc nhiễm trùng trở nặng nhưng may nhờ sự theo dõi xử lý sát nên bé được cứu sống. “Thường quá trình theo dõi ghép phải xem trẻ có những biến chứng, phát hiện, xử trí kịp thời mới giúp trẻ phục hồi sức khỏe”, BS. Hoa cho hay.

Chị Lê Thị Loan, mẹ bé Nguyễn X.B. (2014) ở Hà Tĩnh mắc bệnh ung thư hạch. B. được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, rồi vào BVTW Huế điều trị, ghép tủy. Sau khi thu tế bào gốc, vào thuốc vòng hóa chất cuối cùng thì B. bị xuất huyết bàng quang, đau đớn, bỏ ăn. Nhìn con, ruột gan chị như thắt lại. Sự động viên của đội ngũ y bác sĩ, trong đó có TS.BS. Kim Hoa đã tạo điểm tựa tinh thần giúp mẹ con chị vượt qua giai đoạn khó khăn nhất kể từ lúc điều trị.

Soeur Hoa vượt qua nhiều khó khăn để bảo vệ thành công luận án, trở thành nữ TS về Nhi Khoa đầu tiên tại BVTW Huế.

Với tâm niệm cứu người, nữ tu sĩ khoác áo blouse không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực chuyên môn. PGS.TS. Phan Hùng Việt, Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Nhi, Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế người hướng dẫn luận văn tiến sĩ của BS. Kim Hoa nhận xét: “Làm luận án nghiên cứu rơi vào thời điểm COVID-19, gửi mẫu xét nghiệm ra phòng xét nghiệm nước ngoài khó khăn, tốn kém vô cùng, song souer vẫn âm thầm, kiên trì vượt qua. Tất cả nhằm mong cứu nhiều bệnh nhân dù gặp không ít trở ngại. Souer cũng là con người khiêm nhường trong học thuật, có tâm, có đức”.

Thắp lên sự sống, san sẻ yêu thương

Đến tầng 5 Trung tâm Nhi khoa sẽ bắt gặp vô vàn những hình ảnh, câu chuyện rơi nước mắt đến từ khắp mọi miền đất nước. TS.BS. Kim Hoa bảo gương mặt ngây thơ, nụ cười hồn nhiên các bé khiến tình yêu thương trẻ trong trái tim nữ tu sĩ ấy ngày càng lớn dần. “Trong buổi đọc kinh sớm, mình đều cầu mong cho các bé vượt qua”, souer Hoa trải lòng.

Bác sĩ điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa thường đối mặt với áp lực từ bệnh nhân và người nhà. TS.BS. Kim Hoa luôn gần gũi, tạo sự thân thiện với trẻ; làm công tác tâm lý và giải thích cặn kẽ cho gia đình. Điều này cũng giúp nữ bác sĩ nắm rõ nhiều hoàn cảnh gia đình; biết rõ tâm tính, sở thích bệnh nhi. Trên cơ sở đó, cùng với Phòng Công tác xã hội của bệnh viện, soeur còn kết nối với mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí phẫu thuật, sinh hoạt phí hàng tháng cho hàng chục trường hợp khó khăn.

Souer Hoa tham gia nhiều hoạt động khám chữa bệnh thiện nguyện. Trong ảnh: Khám cho trẻ vùng khó khăn ở Nghệ An.

N.H.Đ. sinh ra trong một gia đình làm nghề biển ở Quảng Bình. Bé mắc u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao. Hơn một năm trị liệu, kinh tế gia đình kiệt quệ. Nhận tin con được GTBGTT, gia đình bé vui mừng đến rơi nước mắt. “Hy vọng sống của con được thắp lên từ tình yêu thương của mọi người trong đó có BS Kim Hoa. Giờ bé đã khỏe hơn nhiều rồi, mẹ bé Đ. khoe.

Mỗi lần khoa tổ chức hoạt động dành cho bệnh nhi, BS Kim Hoa là một trong những người sát cánh chăm lo, tìm cách tạo niềm vui cho trẻ. Từ biểu diễn văn nghệ, thời trang, trò chơi… các em như quên những cơn đau để hòa mình cùng bạn bè. Những món ăn trẻ yêu thích, những món quà chia sẻ cùng nhau dịp lễ tết ở Khoa Nhi Ung bướu – Huyết học – Ghép tủy tiếp thêm nghị lực và bồi đắp tình yêu thương cho bệnh nhi. Điều trị thành công các ca bệnh nan y, souer Kim Hoa cho hay có sự góp sức to lớn của đội ngũ y bác sĩ trong khoa. Trải qua những tháng ngày điều trị và sống trong tình yêu thương, chẳng hề ngạc nhiên khi nhiều bệnh nhi nơi đây có chung ước mơ lớn lên sẽ trở thành bác sĩ.

Mỗi lần khoa tổ chức hoạt động dành cho bệnh nhi, BS Kim Hoa là một trong những người sát cánh chăm lo, tìm cách tạo niềm vui cho trẻ. Từ biểu diễn văn nghệ, thời trang, trò chơi… các em như quên những cơn đau để hòa mình cùng bạn bè. Những món ăn trẻ yêu thích, những món quà chia sẻ cùng nhau dịp lễ tết ở Khoa Nhi Ung bướu – Huyết học – Ghép tủy tiếp thêm nghị lực và bồi đắp tình yêu thương cho bệnh nhi. Điều trị thành công các ca bệnh nan y, souer Kim Hoa cho hay có sự góp sức to lớn của đội ngũ y bác sĩ trong khoa. Trải qua những tháng ngày điều trị và sống trong tình yêu thương, chẳng hề ngạc nhiên khi nhiều bệnh nhi nơi đây có chung ước mơ lớn lên sẽ trở thành bác sĩ.

Chị Nguyễn Thị Thúy My, mẹ cháu N.T.T.N. ở Kon Tum vẫn xúc động nhớ lại thời gian con chiến đấu với bệnh tật. “Ở cùng con, tôi mới thấu hiểu hết sự vất vả, căng thẳng, áp lực, bận rộn của đội ngũ y bác sĩ. Đặc biệt, TS.BS. Kim Hoa là người luôn sát cánh, chỉ bảo động viên, giúp đỡ hỗ trợ cháu trong quá trình điều trị cháu mới mạnh khỏe trở lại như hôm nay. Tận tâm khảm mình tôi chỉ biết nói lời cảm ơn”, chị My nói.

ThS.BS. Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc BVTW Huế nhận xét: “BS. Kim Hoa là nữ tiến sĩ Nhi khoa đầu tiên, người đóng vai trò chủ chốt trong GTBGTT. Soeur có chuyên môn tốt, làm việc tận tâm, tận lực và là nữ tu có tấm lòng nhân hậu. Phong cách sống gần gũi, giản dị nên soeur được các bệnh nhi và bố mẹ các cháu yêu thương. Ngoài điều trị, BS. Kim Hoa còn dốc sức kết nối các nguồn lực hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình điều trị. Lãnh đạo bệnh viện ghi nhận sự đóng góp của TS.BS. Nguyễn Thị Kim Hoa trong lĩnh vực GTBGTT tại đơn vị”.

Theo GS.TS.BS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVTW Huế, Bệnh viện đã trang bị máy móc trang thiết bị hiện đại, phòng ghép tủy đạt chuẩn quốc tế. Bên cạnh việc hội chẩn đa chuyên khoa hàng tuần, đơn vị còn hội chẩn trực tuyến và phối kết hợp điều trị với các chuyên gia hàng đầu trên thế giới như Mỹ, Pháp, Nhật, Canada, Singapore… nhằm tối ưu hóa trong điều trị đa mô thức.

TS. BS Nguyễn Thị Kim Hoa và giám đốc BVTW Huế chúc mừng bệnh nhi ca thứ 30 ghép tủy thành công.

“Cùng với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao như TS.BS. Nguyễn Thị Kim Hoa, kỹ thuật GTBGTT tại BVTW Huế đã được thực hiện thường quy, chuyên nghiệp. Thời gian đến, bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai GTBGTT cho các bệnh nhi bị mắc các bệnh lý u đặc và sẽ triển khai ghép tủy đồng loại, điều trị các bệnh lý suy tủy, ung thư máu hay Thalassemie để nâng cao chất lượng và hiệu quả của kỹ thuật GTBGTT và đem lại sự sống mới cho nhiều bệnh nhi”, Giám đốc BVTW Huế khẳng định.

Đến nay, Trung tâm Nhi GTBGTT 30 ca, trẻ nhỏ nhất là 2 tuổi, và trẻ lớn nhất là 8 tuổi. Trong số đó, có 26 ca bệnh lý u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao, 2 ca u nguyên bào võng mạc di căn và 2 ca lymphoma không Hodgkin tái phát. Với con số này, BVTW Huế xếp thứ hai trong cả nước về GTBGTT điều trị bệnh lý u đặc trẻ em.

Soeur Hoa (đầu tiên bên trái) cùng đội ngũ y bác sĩ BVTW và mạnh thường quân trao quà tết cho bệnh nhi.

Bài: Tuệ Ninh
Ảnh: Tuệ Ninh – Thượng Hiển – NVCC
Nguồn: baothuathienhue.vn

Lời chúc hay, ý nghĩa nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2

NÊN THÁNH ĐỐI VỚI CÁC BỆNH NHÂN

CHỦ ĐỀ THÁNG 08/2020

Thân phận con người là hữu hạn: “hữu sinh, hữu tử”, nghĩa là có sinh ắt phải có tử. Nhưng ngày sinh thì biết, ngày tử thì không. Chết ở đâu, khi nào và chết bằng cách nào chúng ta không hề hay biết. Chỉ biết rằng sinh ra trong cõi đời này, sống trong cõi tạm này và ngày nào đó ta sẽ phải buông bỏ tất cả, chấm dứt cuộc đời chóng qua. Đời người được ví như một chuyến đi, một hành trình có khởi đầu và kết thúc mà không ai thoát khỏi.

‘Sinh, Lão, Bệnh, Tử’ đã trở thành quy luật của một đời người và là định mệnh của con người. Nói đến bệnh, ai trong chúng ta lại không cảm nghiệm được sự đau đớn, khó chịu, buồn bực, âu lo, sợ hãi… có nhiều người đã chán nản, thất vọng, buông xuôi, hụt hẫng, khi được tin bản thân có bạo bệnh. Điều này không ai phủ nhận và chê cười, nhưng điều quan trọng là làm thế nào, dù đau buồn với căn bệnh nơi thân xác nhưng chúng ta vẫn phải giữ được trạng thái của mình mà sống bình an, phó thác; sống lạc quan và yêu đời, mới mong có thêm tuổi thọ.

Nên thánh đối với bệnh nhân là giúp họ nhận ra ý nghĩa của đau khổ trong Thánh Kinh và đón nhận bệnh tật với cái nhìn đức tin. Quả vậy, nếu bệnh tật và tuổi tác là một thực trạng gắn liền với thân phận con người, và con người không sao thoát nổi, chỉ thì còn cách đón nhận nó và sống chung với nó. Người tin vào Chúa tìm được nơi Ngài nguồn trợ lực siêu nhiên để nhờ đó, những đau đớn thể xác được giảm bớt. Đức tin cũng hướng họ về cuộc sống vĩnh cửu, nơi không còn bệnh tật chết chóc và đau khổ. Giáo Hội yêu thương mọi con cái mình, trong số đó có các bệnh nhân. Giáo Hội cũng có nhiều hình thức giúp đỡ phục vụ người bệnh về tinh thần cũng như vật chất. Chủ đề “nên thánh đối với các bệnh nhân” cũng giúp các tín hữu là những người đang khỏe mạnh suy tư, cầu nguyện và thực thi bác ái đối với anh chị em đang gánh chịu nỗi đau thể xác và tinh thần do bệnh tật.

1- Bệnh tật như một tình trạng của đời sống

Trong tất cả mọi trường hợp, nói đến bệnh tật là nói đến một sự thay đổi về thể chất, một tình trạng trong đời sống, ảnh hưởng đến cá tính con người, các tương quan với bản thân, với người khác và thế giới. Trong thời gian đầu, người bệnh quan tâm đến cơ thể hay các bộ phận bị ảnh hưởng bởi bệnh tật, đến thân nhiệt, thuốc men, các kết quả xét nghiệm. Người bệnh tự quan sát mình, so sánh tình trạng hiện thời với các thành tích trong quá khứ và cảm thấy mình yếu kém: “mình không còn là mình”. Trước kia mình lãnh đạo, quyết định, hành động. Bây giờ mình phải chờ đợi quyết định và sự giúp đỡ của người khác. Với thời gian, người bệnh quen với bệnh tình của mình, với nếp sống và thế giới bị nhiều hạn chế do bệnh tật gây nên.

Thay đổi sâu sắc nhất thường xảy ra trong tương quan của người bệnh với người khác: người bệnh cảm thấy mình bị đối xử như một người yếu kém về tinh thần cũng như thể xác, một người sống bên lề những người khỏe mạnh, thậm chí như một người vô dụng. Được thân nhân bạn bè thăm hỏi động viên, nhưng người bệnh vẫn cảm thấy mình thuộc một thế giới khác. Bác sĩ, y tá quan tâm chăm sóc, nhưng họ cũng chỉ là những chuyên viên điều trị, tuy gần gũi nhưng vẫn xa cách. Người bệnh có thể tạo được những tương quan mới với người đồng cảnh ngộ: giữa người bệnh với nhau, người ta nghe nhau kể lể bệnh tình, và âm thầm động viên nhau.

Như vậy, bệnh tật không phải là một hiện tượng sinh học hay một hiện tượng xã hội. Bệnh tật chi phối toàn bộ con người tạo nên một tình trạng đời sống, một nếp sống ảnh hưởng sâu sắc đến cách suy nghĩ, phê phán, phản ứng và xử sự.

2- Phản ứng và thái độ

Ta có thể nói: có bao nhiêu người bệnh thì có bấy nhiêu phản ứng. Mỗi người phản ứng theo cách thế và thái độ của mình. Những phản ứng và thái độ này cũng có thể biến chuyển, thay đổi mau chóng, bất ngờ:

– Trong giai đoạn đầu, người bệnh thường tỏ ra mất tinh thần khi thấy sức khỏe suy sụp, tiêu hao. Bệnh tật gây hoảng sợ và phẫn nộ: tại sao lại tôi, chứ không phải người khác? Tôi đã làm gì để phải chịu một hình phạt bất công? Bạn bè ông Gióp trong Kinh Thánh Cựu ước cũng đã phản ứng như vậy.

– Từ phẫn nộ, người bệnh đâm ra sợ hãi: sợ đau, sợ mổ; sợ sống lệ thuộc vào người khác, sống xa người thân, sợ bị bỏ rơi, sợ cho tương lai, sợ chết, và đặc biệt sợ sự im lặng đồng lõa của những người thân cận.

– Trong một số trường hợp, đau đớn ở mức độ cao làm tê liệt sinh lực: người bệnh không còn biết đau, chỉ còn biết chịu đựng. Trong một số trường hợp khác, người bệnh trở thành sáng suốt hơn, có ý thức hơn, gồng mình chịu đựng đau khổ như một hình phạt bất công. Người bệnh nổi loạn chống đau khổ, chống người thân, bạn bè, thậm chí chống lại cả Thiên Chúa.

Trong những trường hợp này, người Kitô hữu cầu nguyện để vượt qua cơn cám dỗ. Trong tâm trạng cô đơn, không nơi nương tựa, người bệnh ý thức sâu sắc hơn thân phận con người mong manh hữu hạn. Không còn bị chi phối bởi các lo lắng trần tục, người bệnh chỉ còn nghĩ đến “điều cần thiết duy nhất” trong bối cảnh phù vân của cuộc đời. Người bệnh trở thành trầm lặng hơn, bình tĩnh hơn, có chiều sâu hơn. Được nuôi dưỡng bởi Đức tin, người bệnh đi từ thế giới chóng qua để vươn tới thế giới vĩnh cửu. Khi không còn tìm được nguồn trợ lực nơi trần gian, người bệnh kêu cầu và cậy trông vào Thiên Chúa. Một lúc nào đó, họ nhận ra rằng, sự đau khổ, nếu được chấp nhận, sẽ trở thành một sức mạnh có khả năng vươn lên, một môi trường có khả năng cứu độ và thánh hóa.

3- Ý nghĩa của đau khổ bệnh tật dưới cái nhìn Đức tin Kitô giáo

Con Thiên Chúa làm người đã không xóa bỏ bệnh tật và đau khổ khỏi kinh nghiệm nhân loại, nhưng chính Ngài đã đảm nhận chúng, đã biến đổi và mang lại cho chúng một chiều kích mới. Đức Giê-su khẳng định: sự chết không phải là tiếng nói sau cùng. Chết không phải là hết, mà là tái sinh biến đổi. Chính Chúa Giêsu đã đón nhận cái chết. Người sánh ví cái chết của Người như hạt giống gieo trong lòng đất, bị mục nát để nẩy mầm, sinh hoa kết trái. Chúa Giêsu là con đường và chúng ta có thể bước theo Người để gặp gỡ Chúa Cha, nhờ sức mạnh và ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần. Như Chúa Cha đã ban Con Một vì yêu thương, và Chúa Con đã hiến mạng sống mình cũng vì yêu thương, nên chúng ta cũng có thể yêu thương tha nhân như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, bằng việc hiến mình cho anh chị em chúng ta.

– Người bệnh nhìn lên Đấng Chí Tôn

Thánh Kinh dạy chúng ta ý nghĩa cuộc đời này là cõi tạm để bước vào đời sống vĩnh hằng:

“Đời chúng con tàn tạ, kiếp sống thoảng qua, một tiếng thở dài.Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi” (Tv 90,9-10). Thánh vịnh 90 dạy cho ta biết, cuộc đời mai sau mới là chốn để chúng ta hướng đến và đi tới. Vì thế, bệnh là cơ hội để chúng ta đến gần sự chết và qua cái chết để mỗi người bước vào ngưỡng cửa của đời sống vĩnh hằng. Cái chết không là ngõ cụt hay tận cùng, nhưng là cửa ngõ dẫn vào một cuộc sống mới, một cuộc sống trong Chúa Kitô và cùng với Ngài trong cõi Thiên Quốc.

Khi ý thức cuộc đời này là cõi tạm, con người sống tỉnh thức và khôn ngoan với năm tháng Chúa ban mà hướng về đời sống vĩnh cửu mai sau. Khi đặt niềm tin vào Thiên Chúa, thì dù bệnh tật hay khổ đau chúng ta vẫn được Thần Khí hướng dẫn, ban sức mạnh để vác lấy thập giá khổ đau. Qua thập giá chúng ta sẽ nhận ra được sự khôn ngoan đích thực của Thiên Chúa nơi phận người. Vì thế, chúng ta luôn xác tín vào Thiên Chúa toàn năng và hằng hữu: “Xin dạy chúng con biết đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv. 90,12).

– Thiên Chúa nhìn xuống người bệnh

Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa làm Người và ở giữa chúng ta. Ngài đến với nhân loại để chia sẻ phận người và cứu độ chúng ta. Ngài không chỉ đến với tội nhân nhưng Ngài đến với những con người khổ đau và bệnh tật. Chính Ngài đã trở nên, như Vị Lương y để chữa lành và ban lại sự sống cho những người ốm đau bệnh tật.

Rất nhiều dẫn chứng trong Tin Mừng cho chúng ta thấy Đức Giê-su chữa lành bệnh nhân cả thể xác cũng như tâm hồn: Câu chuyện Chúa cho anh Lazaro đã chết bốn ngày sống lại (Ga 11.1-45); Câu chuyện người đàn bà bị băng huyết (Mc 5, 25-43); Những phép lạ Chúa làm luôn đòi hỏi đức tin nơi người đang ao ước được chữa lành. Với người đàn bà bị băng huyết, Chúa nói: “lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5,34).

4- Nên thánh đối với bệnh nhân

Nên thánh là ơn gọi chung của mọi tín hữu. Đối với các bệnh nhân, nên thánh là xác tín vào Chúa và nhận ra ý nghĩa của đau khổ trong cái nhìn Đức tin, để rồi lạc quan chuẩn bị cho cuộc lên đường cuối cùng của cuộc đời.

– Không đồng hóa bệnh tật với tội lỗi:

Bệnh tật là dấu chỉ một sự suy yếu của thể xác và như thế không phải là hậu quả do phạm tội hoặc chống đối Thiên Chúa. Đức Kitô đã chống lại quan niệm thông thường của người Do Thái thời đó, đồng hóa bệnh tật và tai họa với tội lỗi của các nạn nhân: “Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôa đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ có tội nặng hơn những người ở Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết: “không phải thế đâu” (Lc 13,4). Các môn đệ hỏi Đức Giêsu về người mù từ thuở mới sinh: “Ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta”? Đức Giêsu trả lời: “Không phải anh ta cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội, nhưng những chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa tỏ hiện nơi anh” (Ga 9,3). Đối với Đức Kitô, đau khổ không phải là hình phạt phát sinh từ tội lỗi cá nhân, mặc dù có một liên quan chặt chẽ giữa đau khổ và tội lỗi. Thật vậy, tội lỗi đã tạo nơi con người sự chống đối Thiên Chúa, và vì thế, đã gây nên một sự xáo trộn trong thế giới được tạo dựng mà đau khổ và bệnh tật là những hậu quả và biểu hiện. Vì thế, khi chữa lành các vết thương người bệnh, Đức Kitô cứu chuộc con người toàn diện, nhất là cứu chuộc con người khỏi tội lỗi.

– Vai trò ngôn sứ của người bệnh

Sự đau khổ của Đức Kitô biến đổi sự đau khổ của người bệnh: giữa những người mạnh khỏe, người bệnh sống như một chứng nhân, như một ngôn sứ không ngừng nói lên rằng con người sinh ra cho đời sống vĩnh cửu, từ những đau khổ và bất hạnh của đời này. Thật vậy, đại đa số những người sống ở đời này thường tỏ ra quá gắn bó với đời sống trần gian và không ý thức được rằng sự gắn bó này chỉ dẫn đến diệt vong. Họ tin có Thiên Chúa – một Thiên Chúa mà họ có thể kêu cầu trong trường hợp khẩn cấp – nhưng họ hy vọng sẽ không bao giờ phải sử đụng đến Thiên Chúa. Trên lý thuyết, họ tin rằng hạnh phúc là ở nơi Thiên Chúa, nhưng bao lâu họ còn tìm được hạnh phúc nơi khác, họ không cần đến Thiên Chúa.

Bệnh tật cũng nhắc ta tìm lại được tinh thần mà ta phải có khi sống ở trần gian: tiền tài, vật chất và trái đất này không phải là Thiên Chúa ta thờ, và kho báu đích thực ta phải tìm kiếm chính là Đức Kitô. Và đây là điều mà ta có thể gọi là vai trò ngôn sứ của người bệnh, Thiên Chúa dùng họ để nói với người khỏe mạnh rằng đời sống trần gian chỉ là đời tạm và mọi người đang trên con đường đi tới đất hứa để được an nghỉ trong bình an của Thiên Chúa. Người bệnh sống trong sự phó thác vào Thiên Chúa là con người sống trong sự thật.

– Hướng về đời sau

Bệnh tật nhắc ta rằng hạnh phúc con người quả thật mỏng manh và ta mang trong người một sự “thiếu thốn” mà cuối cùng ta sẽ khám phá ra. Ngày mà ta phải đối diện với Thiên Chúa, ta chỉ có thể tiến dâng Người một cái gì nhỏ nhoi mà ta còn giữ lại được. Ý thức sự mong manh của thân phận con người, chúng ta phải gắn bó và vươn tới cuộc sống vĩnh cửu. Chúa Giêsu loan báo NướcTrời như quê hương đích thực của chúng ta. Ai cũng phải trải qua sự chết để khởi đầu cuộc sống mới. Chính Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại. Người bảo đảm với chúng ta: những ai cũng chết với Người, thì cũng được sống lại với Người. Tin vào đời sau sẽ giúp chúng ta có nghị lực để chống chọi với bệnh tật, đồng thời luôn lạc quan tâm trí, thanh thản cõi lòng và sẵn sàng đón nhận những đau đớn do bệnh tật gây nên.

5- Bí tích Xức dầu bệnh nhân

Thánh Giacôbê đã viết: “Ai trong anh em đau yếu, hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân Chúa” (Gc 5,14).

Trước đây, người ta quan niệm việc lãnh nhận Bí tích Xức dầu như một thủ tục trước khi chết. Vì vậy, có nhiều người sợ hãi bí tích này, coi đó là một điều xui xẻo. Trước cải cách Phụng vụ của Công đồng Vatican II, Bí tích này được gọi là Bí tích xức dầu sau hết. Ngày nay, chúng ta gọi là Bí tích xức dầu Bệnh nhân. Bí tích Xức Dầu bệnh nhân ban ơn nâng đỡ bệnh nhân và người già yếu về phần hồn cũng như phần xác. Bằng việc đặt tay, xức dầu thánh và lời cầu nguyện của linh mục, Hội Thánh phó thác các bệnh nhân cho Chúa Kitô đau khổ và vinh hiển để Người an ủi và cứu độ họ. Khi cử hành Bí tích xức dầu bệnh nhân, Giáo Hội nhấn mạnh tới ơn tha thứ của Thiên Chúa. Ngài vừa tha thứ tội lỗi, vừa chữa lành những bệnh tật đau đớn phần xác. Bí tích này còn ban cho bệnh nhân sức mạnh thiêng liêng liêng để chống lại những cám dỗ trong những giây phút cuối cùng, trước khi kết thúc hành trình trần thế để về nhà Cha trên trời.

– Những ơn ban do Bí tích Xức Dầu bệnh nhân:

* Ân sủng trợ giúp đặc biệt của Chúa Thánh Thần để thêm tin tưởng, bình an và phó thác trong tay Chúa.

* Kết hợp với Đức Kitô chịu khổ nạn để sinh ơn cứu độ.

* Ơn tha thứ mọi tội lỗi đã phạm và mọi hình phạt do tội (qua việc lãnh ơn Toàn Xá).

* Ơn sức mạnh để chuẩn bị cho cuộc ra đi lần cuối, giúp họ an tâm trong cuộc chiến đấu cuối cùng trước khi về Nhà Cha.

Cũng như Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể hợp thành “ba bí tích khai tâm Kitô giáo”, thì Giải Tội, Xức Dầu bệnh nhân và Thánh Thể hợp thành “các bí tích chuẩn bị về Quê trời” hay là “các bí tích hoàn tất cuộc lữ hành trần thế”.

5- Trách nhiệm của những người khỏe mạnh và của cộng đoàn

Ngày nay, Chúa Giêsu cũng cần lòng tin của chúng ta để chữa lành cho thế giới. Lòng tin ấy được thể hiện bằng những hành động cụ thể như: an ủi, cảm thông, giúp đỡ, động viên, sẻ chia. Lòng tin ấy chính là một thể hiện tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Mỗi người chúng ta liên đới với những người đau khổ, những bệnh nhân của những căn bệnh hiểm nghèo. Người Kitô hữu luôn lấy đức tin để nhìn vào những đau khổ của mình và tha nhân hiệp với đau khổ của Đức Kitô trên Thánh Giá.

– Cảm thông: Chúng ta phải đồng cảm với những người đau khổ, tức là thực sự sống với những mất mát đau thương của họ, từ đó sẽ dễ dàng yêu thương và kiên trì giúp đỡ họ.

– Giúp đỡ: Lúc bệnh ai cũng có cảm giác đau khổ, cô đơn, buồn tủi và sức lực yếu đi. Lúc ấy họ muốn buông xuôi và sợ hãi trước cái chết, nếu biết cái chết gần kề với căn bệnh hiểm nghèo. Vì thế, họ cần nhiều bàn tay nâng đỡ, ủi an và yêu thương. Họ cần lòng nhân ái và sự bao dung của người mạnh khỏe. Họ cần lời động viên khích lệ của y bác sĩ và người thân hơn là cho họ món quà vật chất.

– Yêu thương: Yêu thương là cốt lõi của Tin Mừng, nhất là với người bệnh. Ước gì mỗi người chúng ta luôn có được đôi mắt nhân từ, trái tim thương cảm, vòng tay rộng mở của Chúa để nhạy bén với những nhu cầu, nỗi đau, thất vọng, mệt mỏi của bệnh nhân. Từ đó, chúng ta thông hiệp khổ đau và bệnh tật của người khác vào trong lời cầu nguyện với lòng tin được chữa lành qua sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Maria và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Kết luận: Chúa Giêsu mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28). Hãy đến với Chúa để được Người ban ơn trợ giúp, nhờ đó, người bệnh sẽ được Chúa chữa lành thể xác và tinh thần, hoặc nếu không được chữa lành thể xác vì con người phải chết, thì ít ra cũng được thanh thản tâm hồn, phó thác và lạc quan trong những giây phút cuối đời. Chúa Giêsu cũng đồng hóa với người đau khổ, bệnh tật và bị bỏ rơi quên lãng. Người khẳng định: những ai giúp đỡ người bệnh tật, tù đày, trần truồng là giúp đỡ chính Chúa (x. Mt chương 25). Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 này, chúng ta đều nhận ra sự trân quý của cuộc sống. Sức khoẻ là quà tặng quý giá Thượng đế ban cho con người.  Dịch bệnh cũng là cơ hội để chúng ta nhận ra sự mong manh mỏng giòn của kiếp người. Những nghĩa cử quảng đại bác ái chia sẻ đã làm ấm lên tình người và tình đồng loại. Đại họa viêm phổi Vũ Hán chắc chắc sẽ qua đi, và chúng ta hy vọng tình liên đới chia sẻ sẽ còn đọng lại mãi và không ngừng được nhân lên. Xin cho các bệnh nhân được vững tin vào Chúa, và xin cho mọi người cùng nhau thực hiện đức bác ái yêu thương, giúp xoa dịu nỗi đau của người bệnh, giúp họ tìm thấy sự nồng ấm yêu thương của tình Chúa tình người.

Hà Nội, tháng 7-2020

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Nguồn: https://www.tonggiaophanhanoi.org

 

 

Phục Vụ Sự Sống: Sứ Mạng Của Giới Y – Bác Sĩ Công Giáo

 

Lm. Đaminh Nguyễn Tuấn Anh

Bài thuyết trình cho giới y chức của giáo phận Xuân Lộc

nhân dịp Tĩnh tâm mùa Chay, ngày 16-03-2014 

DẪN NHẬP

Sáng 20-9-2013, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến 100 bác sĩ sản khoa tham dự Hội nghị lần thứ 10 của Liên hiệp quốc tế các hiệp hội bác sĩ Công Giáo với chủ đề bác sĩ Công Giáo và việc săn sóc người mẹ. Trong buổi tiếp kiến này, ĐTC đã nhận định về thực trạng nhiều mâu thuẫn của nghành y hiện nay:

“Trong nghề y khoa hiện nay, một đàng có sự hăng say tìm kiếm những tiến bộ trong việc trị bệnh, nhưng đàng khác người ta thấy có nguy cơ bác sĩ đánh mất căn tính của mình là người phục vụ sự sống, và nhiều khi không tôn trọng chính sự sống. Người ta cũng thấy tình trạng mâu thuẫn này qua hiện tượng: trong khi người ta gán cho con người những quyền mới, nhiều khi chỉ là quyền giả tạo, thì họ lại không luôn bảo vệ sự sống như giá trị đầu tiên và là quyền tiên quyết của mỗi người.”[i]

Sau đó, Đức thánh cha nhắc lại rằng “mục tiêu tối hậu của hoạt động y khoa vẫn luôn là bảo vệ sự thăng tiến sự sống”, trong đó các bác sĩ công giáo có sứ mạng sống chứng tá Tin mừng bằng việc dấn thân bảo vệ sự sống.

Được gợi hứng từ bài nói chuyện của Đúc Thánh Cha, tôi xin có vài điều chia sẻ với cộng đoàn về đề tài: Y-Bác sĩ công giáo và sứ mạng bảo vệ sự sống, qua ba ý chính: 1/ Sự sống con người theo quan điểm kito giáo; 2/ sứ mạng của nghành y nói chung trong việc bảo vệ sự sống; 3/ và cuối cùng là sứ mạng bảo vệ và thăng tiến sự sống của các nhân viên Công giáo trong nghành y tế.

1. SỰ SỐNG CON NGƯỜI THEO QUAN ĐIỂM KITÔ GIÁO[ii]

Sự sống con người có giá trị đặc biệt cho cả người có niềm tin cũng như không có niềm tin. Thông thường ai cũng yêu quý và bảo vệ mạng sống mình. Tuy nhiên, quan niệm khác nhau về sự sống dẫn đến cách hành xử khác nhau. Ẩn giấu sau những mâu thuẫn được Đức Thánh cha nhắc đến là những quan niệm khác nhau về sự sống. Quan niệm duy vật đánh mất chiều kích siêu việt của con người, giam hãm con người trong khung trời vật chất và giới hạn sự sống con người trong sự sống thể lý, sự sống ở đời này. Khi đó, tiêu chuẩn đánh giá con người không dựa trên điều “họ là” nhưng trên điều “họ có”, nghiã là dựa trên hiệu quả công việc, tài năng và tài sản… Như thế những người nghèo, tật nguyền, già cả có nguy cơ bị loại ra bên ngoài. Có quan niệm hạ giá sự sống con người thành một thiện ích trong những thiện ích khác, ngang hàng với an sinh xã hội, của cải, thú vui giải trí…

Đối với niềm tin công giáo, chúng ta khẳng định rằng Thiên Chúa tạo dựng con người và vạn vật. Ngài tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài để nó sống mãi và sống hạnh phúc với Ngài. (x. Kn 1,13-14; 2,23-24).

a. Sự sống là một hồng ân của Thiên Chúa

Trong Thánh Kinh, sự sống con người xuất hiện như chóp đỉnh của công trình tạo dựng (x. St 1,26). Nó nhận được sự chúc lành của Thiên Chúa và trổi vượt trên mọi hình thức khác của sự sống (x. St 1,28). Sự sống này không chỉ giới hạn nơi sự tồn tại thể lý, nhưng còn trải rộng đến mọi chiều kích của cuộc sống. Tuy nhiên, ta không được coi sự sống là một giá trị tuyệt đối, tối thượng mà phải đặt nó trong sự phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.[iii] Sự sống trần gian chỉ là một hình bóng, một sự chuẩn bị cho sự sống đích thực và dồi dào (x. Ga 10,10) mà Đức Kitô mang lại cho con người. Nếu sự sống tự nhiên là một ân huệ cao quý Chúa ban cho con người thì sự sống vĩnh cửu còn cao quý hơn nữa (x. Rm 6,11; C1 3,3). Thái độ của con người trước hồng ân này là đón nhận với lòng biết ơn và trân trọng ; đồng thời khám phá và tìm cách thực hiện chương trình Thiên Chúa muốn cho mỗi người (x. Ga 3,16).

b. Sự sống là một điều thánh thiêng

Sự sống là một điều thánh thiêng bởi vì nó phát xuất từ Thiên Chúa. Theo Thánh Kinh, sự sống trước hết là chính Thiên Chúa, vì Người là Thiên Chúa hằng sống[iv]. Tiếp đến, sự sống chính là phẩm tính riêng biệt của Thiên Chúa (x. Ga 5,26; 14,6) và Ngài thông truyền nó cho con người (x. St 2,7; Đnl 6,24; Ga 3,35; 5,26). Khác với các thụ tạo khác, con người tham dự vào sự sống của Thiên Chúa một cách đặc biệt: con người là hình ảnh của Thiên Chúa hằng sống, được tạo dựng để trở nên giống Đấng Tạo Hóa. Vì thế, sự sống mà họ mang trong mình là một thực tại thánh thiêng và bất khả xâm phạm. Làm tổn hại sự sống con người là xúc phạm đến chính Thiên Chúa ; và ngược lại bảo vệ và thăng tiến sự sống là tôn vinh Thiên Chúa.[v] Thánh giáo phụ Iréné xác quyết : « Vinh quang Thiên Chúa là con người sống động » (la gloire de Dieu, c’est l’homme vivant).

c. Chỉ có Thiên Chúa mới là chủ tể của sự sống

Tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của con người còn phát xuất từ việc chỉ Thiên Chúa mới là chủ tể duy nhất của sự sống và sự sống con người phản ánh tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của chính Thiên Chúa. « Duy chỉ Thiên Chúa là chủ tể sự sống từ khi nó bắt đầu cho đến lúc nó kết thúc, nên không ai trong bất cứ trường hợp nào có thể đòi cho mình quyền trực tiếp hủy diệt một con người vô tội ».[vi] Tuy nhiên, vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, nên cũng được Ngài mời gọi và cho tham dự quyền chủ tể của Ngài đối với sự sống : « Thiên Chúa đã chúc lành cho họ và bảo họ rằng: hãy sinh sôi nảy nở đầy dẫy trên mặt đất và bá chủ nó! Hãy cai trị trên cá biển chim trời và mọi loài sinh vật bò trên đất » (St 1,28). Con người được cộng tác với Thiên Chúa trong việc cai quản vạn vật và phục vụ sự sống được ban cho chính mình.

d. Sự sống con người phải được tôn trọng ngay từ lúc thụ thai cho đến khi chết

Ngay từ giây phút bắt đầu hiện hữu, con người phải được đối xử như một con người và được kẻ khác nhìn nhận các quyền làm người, trong đó có quyền được sống là quyền bất khả xâm phạm của người vô tội.[vii]

Sự sống con người, từ khởi đầu cho đến khi kết thúc, có thể nói là điều thiện hảo lớn nhất trên trần gian. Đón nhận, bảo vệ, và chăm sóc và chữa trị sự sống con người, nhất là sự sống thể lý, là sứ mạng cao quý, là mục tiêu tối hậu của nghành y.

2. SỨ MẠNG CỦA NGHÀNH Y: PHỤC VỤ VÀ THĂNG TIẾN SỰ SỐNG

ĐTC nói: ”Giáo Hội kêu gọi lương tâm của mọi người chuyên nghiệp và thiện nguyện trong y khoa, đặc biệt là các bác sĩ sản khoa, hãy cộng tác vào việc sinh sản những sự sống mới. Não trạng duy lợi ích hiện nay, thứ văn hóa ”xài rồi bỏ”, đang nô lệ hóa tâm trí nhiều người, đang tạo nên một thiệt hại lớn: nó đòi phải loại bỏ con người, nhất là những người yếu thế về mặt thể lý và xã hội. Câu trả lời của chúng ta cho não trạng này là quyết liệt, không chút do dự, trong việc bênh vực sự sống. Quyền đầu tiên của con người là quyền sống.”

a. Đón nhận và bảo vệ sự sống

ĐTC mời gọi các bác sĩ cộng tác vào việc sinh sản những sự sống mới. Ngày hôm nay, những tiến bộ vượt bậc trong lãnh vực y khoa mang lại nhiều cơ hội cho các cặp vợ chồng hiếm muộn và cho phép việc chăm sóc các thai nhi được tốt hơn. Tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh giảm đáng kể, sức khoẻ của các bà mẹ được cải thiện. Tuy nhiên một thực tế khác khiến chúng ta phải giật mình là tỉ lệ phá thai gia tăng với nhiều nguyên do khác nhau: ưu sinh, đạo đức (bảo toàn danh dự), trị liệu, thí nghiệm… Sự hỗ trợ hữu hiệu của y khoa trong việc chẩn đoán tình trạng của thai nhi có thể trở thành bản án tử hình, quyết định vĩnh viễn số phận của thai nhi. Thay vì nhắm đến bảo vệ và thăng tiến sự sống, thì trong trường hợp này, y khoa lại phục vụ cho việc giết chết sự sống, nhất là sự sống của những thai nhi vô tội.[viii]

Giáo hội luôn lên tiếng bảo vệ quyền đầu tiên của con người là sống và chống lại việc phá thai. Các kito hữu làm việc trong lãnh vực y khoa, được mời gọi cách đặc biệt, cùng với GH dấn thân bảo vệ quyền sống của các thai nhi và chống lại hình thức giết người êm dịu. Quả là một thách đố cho các y bác sĩ Công giáo làm việc trong các bệnh viện tiến hành phá thai. Luân lý kito giáo không cho phép họ tham gia, cộng tác vào tội ác này.

b. Trong việc chăm sóc sức khoẻ và việc trị liệu

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có chia sẻ rằng: “Nghề y không thể coi là một ngành kinh doanh, một mũi nhọn kinh tế, vì nếu như thế người ta sẽ nghĩ đến việc khai thác tối đa lợi nhuận trên sức khỏe con người! Người thầy thuốc thường mất ăn mất ngủ trước một ca bệnh lý, thường bứt rứt ăn năn dài lâu trước một lỡ lầm đôi khi không sao tránh khỏi trong lúc hành nghề! Xã hội cần tôn trọng và đánh giá đúng sự đóng góp của người thầy thuốc để giúp họ sống xứng đáng với vai trò, chức năng mà xã hội đã giao phó.”[ix]

Sứ mạng cao quý và nền tảng của Bác sĩ là phục vụ bệnh nhân để cứu sống, để duy trì hoặc phục hồi sức khoẻ cho bệnh nhân. Giáo hội đánh giá rất cao vai trò và sự đóng góp của nghành y trong việc phục vụ sự sống con người; đồng thời bày tỏ quan điểm, đưa ra những định hướng, nhất là nhấn mạnh chiều kích nhân bản để nghành y thực hiện đúng ơn gọi của mình.

– Nhân bản hoá các mối liên hệ giữ bệnh nhân và tập thể những người có trách nhiệm giúp họ phục hồi sức khoẻ. Đó phải là mối tương quan nhân vị giữa bác sĩ với “người bệnh” chứ không phải là với “con bệnh”. Các bác sĩ chân chính là người biết ưu tiên quan tâm đến quyền lợi của bệnh nhân và làm hết sức mình để cứu chữa bệnh nhân theo khả năng chuyên môn của mình. Ông còn phải làm những gì có lý mà bệnh nhân yêu cầu ông làm. Bởi đó, trước tiên bác sĩ có bổn phận phải nắm chắc các ước nguyện của bệnh nhân hay của những người đại diện bệnh nhân.

– Nhân bản hoá các sinh hoạt và các dịch vị y tế nhằm chăm sóc sức khoẻ và và cứu chữa bệnh nhân. Các nhân viên nghành y không được lạm dụng kỹ thuật bằng cách biến bệnh nhân thành phương tiện nghiên cứu và cũng không được điều trị bệnh nhân bằng mọi giá, bất chấp ý muốn của họ. Các y, bác sĩ không được phép gây hại các bệnh nhân do những động cơ chính trị hay do lợi lộc nào đó và cũng không được can thiệp một cách thô bạo sự sống con người.

Các bác sĩ và y tá có bổn phận không những phải chữa lành và giảm bớt sự đau đớn, mà còn phải kéo dài sự sống bao lâu có thể’. (tr. 238) Tuy nhiên, trong trường hợp việc kéo dài sự sống là kéo dài sự đau khổ một cách vô vọng, bác sĩ có thể đề nghị ngưng việc chữa trị và ngừng sử dụng các thiết bị. Dĩ nhiên, ta cũng phải tôn trọng và thực hiện những ước nguyện hợp lý của bệnh nhân trong việc sử dụng các phương pháp điều trị nhằm kéo dài sự sống.

– Nhiệm vụ của bác sĩ là cứu sống, là chữa lành, là làm giảm bớt sự đau khổ. Để chu toàn sứ mạng của mình, thầy thuốc/bác sĩ cần cập nhật hóa những kiến thức của mình vì ‘nền y học hiện đại cùng với những khả năng và đòi hỏi gia tăng không ngừng đòi các thầy thuốc ngày phải chuyên môn hơn. Không phải bác sĩ nào cũng chuyên môn như nhau trong hết mọi lãnh vực của y học. Thế nên ý thức giới hạn của mình, họ sẽ tìm sự giúp đỡ của các thầy thuốc khác mỗi khi tình trạng của bệnh nhân đòi hỏi thế.

3. SỨ MẠNG CỦA BÁC SĨ CÔNG GIÁO: CHỨNG NHÂN VÀ NGƯỜI PHÂN PHÁT NỀN VĂN HOÁ SỰ SỐNG[x]

Ngoài những đức tính cần thiết mà y đức đòi hỏi và giáo huấn Hội thánh yêu cầu, các bác sĩ công giáo còn được mời gọi chiêm nhắm và thể hiện hai dung mạo gợi hứng từ Kinh thánh như sau:

– Khi phục vụ bệnh nhân, các bác sĩ công giáo được mời gọi để khám phá hình ảnh Đức Kito đau khổ nơi các bệnh nhân của mình (Mt 25,31-46). Khi phục vụ những người khổ đau, bệnh tật và đụng chạm đến nỗi đau của con người, họ đang phục vụ chính Đức Kitô.

– Khi chăm sóc và chữa lành những người bệnh, họ còn thể hiện dung mạo Đức Kito, Đấng chữa lành những người đau bệnh tật nguyền.

Chiều kích thiêng liêng này thúc đẩy anh chị em công giáo làm việc trong nghành y dấn thân cách hăng hái và quyết liệt hơn trong việc bảo vệ và cổ võ nền “văn minh sự sống” dù đôi khi anh chị em phải chấp nhận “lội ngược dòng”. Môi trường làm việc của anh chị em có nhiều thách đố nhưng cũng đầy hứa hẹn cho việc loan báo Tin mừng tình thương của Chúa.

KẾT LUẬN

Xin mượn lời ĐTC trong buổi tiếp kiến các Bác sĩ ngày 20-3-2014 để kết luận bài chia sẻ này:

“Các bạn bác sĩ thân mến, là những người được kêu gọi săn sóc sự sống con người trong giai đoạn đầu tiên, xin các bạn hãy nhắc nhở cho tất cả mọi người, bằng việc làm và lời nói, rằng sự sống luôn luôn là thánh thiêng trong mọi giai đoạn và mọi lứa tuổi và luôn luôn có chất lượng. Đây không phải là một xác tín đức tin, nhưng còn là của lý trí và khoa học! Không có sự sống con người nào thánh thiêng hơn sự sống khác, cũng như không có một sự sống con người nào có ý nghĩa hơn về phẩm chất hơn sự sống khác. Uy tín của một hệ thống y tế không phải chỉ được đo lường bằng hiệu năng, nhưng nhất là bằng sự quan tâm và yêu thương đối với con người, sự sống của họ luôn có tính chất thánh thiêng và bất khả xâm phạm”.

Các bác sĩ hãy sống và hoạt động phù hợp với ơn gọi Kitô. Đối với nền văn hóa ngày nay, hãy góp phần giúp người khác nhận ra chiều kích siêu việt, dấu vết công trình sáng tạo của Thiên Chúa trong sự sống con người, ngay từ lúc đầu tiên sau khi được hoài thai. Sự dấn thân tái truyền giảng Tin Mừng như thế nhiều khi đòi tín hữu phải đi ngược dòng, trả giá bằng chính con người của mình. Chúa đang hy vọng nơi anh chị em để phổ biến Tin Mừng sự sống”.[xi]

Cầu chúc các y bác sĩ Công giáo luôn tự hào và sống xứng đáng với nghề y cao cả mà mình đã chọn lựa, theo tinh thần mà Chúa và Giáo hội mời gọi.

 

————————————-

[i]    Xem: http://vi.radiovaticana.va/news/2013/09/20/đức_thánh_cha_tố_giác_mâu_thuẫn_trong_y_khoa/vie-730345

[ii]   x. ĐGM Matthêô NGUYỄN VĂN KHÔI, Luân lý kitô giáo qua mười Điều răn, quyển 2, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2013, trang 111-116

[iii] « Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu » (Ga 15,13).

[iv]   x. Gs 3,10; 1Sm 19,6; 1V 18,10.15; Tv 42,3; Đn 6,21

[v]    GIOAN PHAOLO II, Evangelium vitae, số 57 : Sự sống là điều thánh thiêng, là hồng ân Thiên Chúa ban cho con người để họ gìn giữ và phát huy. Do đó bất cứ hành động nào của con người khiến cho sự sống của chính mình hay của tha nhân bị giảm suy hay hủy diệt đều là những tội ác chống lại sự sống.

[vi]   THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Huấn thị Donum vitae, phần dẫn nhập, số 5.

[vii] GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO, số 2270

GLCG số 2322: Như thế, trực tiếp phá thai, như là mục đích hay phương tiện, đều là một hành vi vi phạm nghiêm trọng luật luân lý vì là tội giết người. Vì thế, Hội thánh ra vạ tuyệt thông cho hành vi này.

[viii] Theo báo Phụ Nữ ngày 16.8 và 24.10.2000 thì tại thành phố Hồ Chí Minh năm 1998 có 138.222 ca phá thai, trong đó có 1.240 ca dưới 18 tuổi; năm 1999 có 131.653 ca phá thai, trong đó có 1.179 ca dưới 18 tuổi.

Theo số liệu được Thạc sĩ-Bác sỹ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ công bố tại một hội thảo “Ngừa thai hormone – Hiểu biết nhu cầu và lựa chọn của phụ nữ” diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 16/3/2013, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15 – 19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Hiện Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 5 thế giới. (x. http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/121505/giat-minh-nhung-con-so-nao-pha-thai-o-gioi-tre.html)

[ix]   Bs ĐỖ HỒNG NGỌC, Nghĩ về người thầy thuốc, Tuổi trẻ ngày 27/02/2008. http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/244693/nghi-ve-nguoi-thay-thuoc.html

[x]    DIONIGI TETTAMANZI và GUY DURAND, Nuova Bioetica cristiana (Tân đạo đức sinh học, ấn bản việt ngữ do Lm Anton Nguyễn văn Tuyến biên soạn, Đại chủng viện Huế, 2013, trang 393-402.

[xi] http://vi.radiovaticana.va/news/2013/09/20/đức_thánh_cha_tố_giác_mâu_thuẫn_trong_y_khoa/ vie-730345

Nguồn: https://catechesis.net