Gặp gỡ các gia đình đang gặp “thương tổn” trong đời sống hôn nhân gia đình

Ngày đăng: 4:20 PM - 27/04/2023

 

DSC05881_1

GPVO (24/4/2023) – Biết bao đứa trẻ đang vắng bóng tình thương của người cha, người mẹ; biết bao người chồng, người vợ đang sống trong cảnh bất hòa, bất thuận và bất an; cũng biết bao nhiêu người ông, người bà đang sống trong sự cô độc, lẻ loi và bị gạt ra bên lề xã hội. Đó là những vết thương sâu in hằn trong đời sống của con người. Đặc biệt, nơi đời sống hôn nhân và gia đình, những vết thương tổn đó phá hủy mọi mối tương quan trong gia đình. Hơn bao giờ hết, lời mời gọi của Thầy Chí Thánh Giêsu là thần dược để con người chữa lành mọi thương tổn trong cuộc sống: “Hỡi tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡn” (Mt 11,28).

Vào ngày 23/04/2023, Chúa nhật III Phục sinh, Ban Mục vụ Giáo dân và Gia đình Giáo phận Vinh đã tổ chức ngày gặp gỡ dành cho những anh chị em đang gặp “thương tổn” trong đời sống hôn nhân và gia đình. Gần 300 tham dự viên là những người vợ hoặc chồng của các gia đình đang sống trong tình trạng ly thân, ly dị, ly dị tái hôn. Đồng hành với các tham dự viên có Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, cha Gioan Đinh Văn Huy, Trưởng Ban Mục vụ Giáo dân và Gia đình, quý cha trong Ban cùng quý tu sĩ.

Sống niềm tin và hy vọng vào Chúa trong hoàn cảnh gia đình bị thương tổn.

Vào lúc 8h30’, cha đồng hành Antôn Nguyễn Văn Trọng đã có buổi nói chuyện đầu tiên với chủ đề: “Sống niềm tin và hy vọng vào Chúa trong hoàn cảnh gia đình bị thương tổn”. Đời sống của con người gắn liền với những vết thương khác nhau. Không ai sống trên đời mà không có vết thương. Chính những vết thương đó làm cho đời sống con người đau khổ, bất an và lo lắng. Tuy nhiên, dưới nhãn quan đức tin Công giáo, người Kitô hữu luôn được mời gọi đón nhận và kết hiệp đau khổ đó với Đức Kitô bởi Người đã đi con đường đau khổ để đem ơn cứu độ đến với gia đình nhân loại. Điều đó được thánh Phaolô quả quyết rằng: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, sống như người trần thế” (x.Pl 2, 6-7). Vì thế, khi đối diện với những đau khổ, mỗi người hãy biết chạy đến với Chúa để được Người an ủi và gia tăng sức mạnh để can đảm lướt qua mọi biến cố của cuộc đời.

Ly thân, ly dị – nỗi ám ảnh của vợ chồng và con cái

Kế đến, cha Gioan Đinh Văn Huy, Trưởng Ban Mục vụ Giáo dân và Gia đình đã có bài nói chuyện thứ hai với các gia đình thương tổn. Trong bài nói chuyện, cha Gioan đã nêu lên thực trạng, nguyên nhân cũng như hậu quả của việc ly thân, ly dị. Bên cạnh đó, ngài cũng đã khơi mở cho các tham dự viên về cái nhìn tổng quan của Giáo hội về hai vấn đề này. Quả vậy, Giáo hội luôn hiện diện giữa những lo âu của thời đại. Vì thế, Giáo hội luôn ưu tư, khắc khoải được đến hiện diện và an ủi những gia đình thương tổn.

Kết thúc buổi sáng các tham dự viên cùng Đức cha, quý cha về tại nhà ăn Trung tâm Mục vụ để chia sẻ bữa cơm thân tình.

Xoa dịu những đau thương và khủng hoảng.

Sau thời gian nghỉ trưa, vào lúc 13h15’, Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long – Giám mục Giáo phận Vinh đã có buổi gặp gỡ, lắng nghe và xoa dịu những vết thương của anh chị em đến tham dự hôm nay. Mỗi người đều được Thiên Chúa yêu thương theo những cách thức khác nhau của Ngài. Không một ai nằm ngoài lòng thương xót của Thiên Chúa, bởi thuộc tính của Người là yêu thương. Vì thế, ngay giữa những biến cố đau thương nhất trong cuộc đời, mỗi người phải bám chặt vào Thiên Chúa để nhờ Người và trong Người mà can đảm vượt qua.

Kế đến, Đức cha quảng diễn về hình ảnh của một Giáo hội đi ra. Giáo hội không bao giờ bỏ rơi anh chị em, nhất là những người đang mang thương tích nơi tâm hồn và thể xác. Thay vào đó, Giáo hội luôn mở rộng cánh cửa và dang rộng đôi tay để chào đón, ôm ấp, an ủi những anh chị em nghèo khổ về tinh thần và vật chất.

Cuối cùng, Đức cha mời gọi những anh chị em đang mang trên mình những thương tích biết sống và giữ đạo với lòng yêu mến, tin tưởng, phó thác vào tình yêu của Thiên Chúa.

Sau bài nói chuyện của Đức cha Anphong, các tham dự viên tiếp tục được lắng nghe phần chia sẻ của soeur Anna Lê Hồ Thị Hiền với chủ đề: “Thực hành đức tin trong sự khủng hoảng”.

Thánh lễ cầu nguyện cho các gia đình thương tổn

Sau một ngày gặp gỡ, chia sẻ, lắng nghe và cầu nguyện, vào lúc 16h00’ thánh lễ cầu nguyện cho các gia đình thương tổn được diễn ra tại nhà nguyện Trung tâm Mục vụ Giáo phận.

Trước giờ khai lễ, Đức cha gửi lời chào mến thương vì sự hiện diện của các anh chị em đang bị tổn thương trong đời sống gia đình.

Trong bài giảng lễ, khởi đi từ bài Tin mừng Chúa nhật III Phục sinh (Lc 24, 13-35), Đức cha Anphong đã mời gọi quý tham dự viên biết mời Chúa Giêsu ở lại với gia đình mình để được biến đổi và chữa lành. Quả vậy, hai môn đệ trên đường về Emmaus là hình ảnh tượng trưng cho đời sống hôn nhân của anh chị em. Sẽ có những lúc như hai môn đệ, mỗi người sẽ rơi vào tình cảnh buồn rầu, thất vọng và chán nản bởi khó khăn, sóng gió trong cuộc đời. Thế nhưng, trong những đêm tối đó, Chúa Giêsu luôn xuất hiện để cứu giúp và nâng đỡ mỗi người nếu biết mời Người ngự vào tâm hồn mình. Bên cạnh đó, nơi những người đang gặp những khó khăn trong đời sống hôn nhân, anh chị em đừng buồn, đừng rời bỏ cộng đoàn nhưng hãy tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Kết thúc thánh lễ, cha Gioan Đinh Văn Huy, Trưởng Ban Mục vụ Giáo dân và Gia đình đã có những tâm tình tri ân Đức cha Anphong, quý cha đồng hành, quý soeurs và tất cả những ai đã hi sinh âm thầm để buổi gặp mặt diễn ra tốt đẹp.

Hy vọng rằng, ngày gặp gỡ hôm nay sẽ là động lực thúc đẩy những gia đình thương tổn biết hàn gắn những rạn nứt, hoài nghi và những định kiến để cùng với nhau xây dựng gia đình hòa hợp, yêu thương, tôn trọng và nâng đỡ nhau trong cuộc sống.

Gioan Nguyễn

Có thể là hình ảnh về 1 người, đám cưới và văn bản cho biết 'GIẢI ĐẬP THẮC MÁC Gạp5 Pr. Hoàng Nam, SJ VẤNĐỀLYHÔN CỦANGƯỜICÔNG GIÁO Gần nhà, con chứng kiến chồng thường bạo hành vợ Họ là người Công Giáo. Nhiều người bàn tán vào, nói vợ nên ly Ä»‹ ông chồ“ng phu đó đ‘i. Không biết trong trường hợp như thế có được ly d»‹ không? Con thấy đá»nh chế hôn nhân ràng buộ™c hai người. Điều ấy có khi gây cho họ mất đi tự do. Nhiều đưa bạn con nỏi hôn nhân Công Giảo không cho người dị. Như thể đ‘á»nh chê hôn nhân Công Giảo quá cứng nhắc?'

VẤN ĐỀ LY HÔN CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Hỏi: Gần nhà, con chứng kiến chồng thường bạo hành vợ. Họ là người Công Giáo. Nhiều người bàn ra tán vào, nói vợ nên ly dị ông chồng vũ phu đó đi. Không biết trong trường hợp như thế có được ly dị không? Con thấy định chế hôn nhân ràng buộc hai người. Điều ấy có khi gây cho họ mất đi tự do. Nhiều đứa bạn con nói hôn nhân Công Giáo không cho người ta ly dị. Như thế định chế hôn nhân Công Giáo quá cứng nhắc?
Trả lời:
Chào bạn,
Hôn nhân và gia đình là vấn đề luôn được quan tâm vì tầm quan trọng và ảnh hưởng của nó. Có nhiều sự khác biệt giữa những quy định của Giáo Luật và luật đời liên quan đến vấn đề này, một trong số đó là chuyện ly dị tái hôn, bấy lâu nay vẫn tạo ra những cuộc tranh luận không hồi hết. Ai cũng biết là chuyện ly hôn không nên quá dễ dãi vì nó gây nên nhiều tác hại xấu.
Nhưng nếu tương quan vợ chồng đã đến mức độ không thể cứu vãn, thậm chí, nếu tiếp tục duy trì tương quan này, có thể sẽ gây hại rất nhiều cho một trong hai bên (chẳng hạn như bạo lực…), thì liệu có nên suy xét và cho phép vợ chồng đó cắt đứt hôn phối, mỗi người đi con đường riêng và tìm hạnh phúc khác cho mình trong một cuộc hôn nhân khác? Luật đời thì đồng thuận, còn Giáo hội thì không. Bởi lẽ đó, Giáo hội lâu nay vẫn bị chỉ trích là cứng nhắc, cổ hủ, chỉ lo gìn giữ truyền thống và không để ý đến quyền con người. Trước khi kết luận Giáo hội có như thế hay không, chúng ta hãy cùng nhau suy xét một vài vấn đề. Trước hết, hãy tìm hiểu về các đặc tính của hôn nhân Kitô giáo; sau đó, hãy xem Giáo hội quy định thế nào trong trường hợp vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt”, và lý do của quy định đó.
Đặc tính hôn nhân Kitô giáo
Như đã nói, hôn nhân là một vấn đề quan trọng, không chỉ đối với bản thân hai người kết hôn, nhưng còn đối với gia đình, xã hội và Giáo hội. Bởi thế, trước khi tiến đến hôn nhân, đôi bạn trẻ được mời gọi phải tìm hiểu nhau thật kỹ, phải có một thái độ trưởng thành về tình yêu, phải có một hiểu biết cặn kẽ và chắc chắc về hôn nhân để thực hiện một quyết định chung cuộc cho cuộc đời mình.
Vì hôn nhân rất quan trọng và còn dính líu đến gia đình hai bên và con cái, nên không thể xem nó như trò đùa, thích thì cưới, không thích thì chia tay. Hôn nhân là nền tảng để làm nên gia đình, gia đình lại là nền tảng của xã hội; nên gia đình càng vững bền, hạnh phúc, xã hội càng phồn thịnh phát triển. Cũng tương tự như vậy trong tương quan giữa hôn nhân, gia đình và Giáo hội. Xuất phát từ ý muốn của Thiên Chúa được mặc khải trong Kinh Thánh và qua tự nhiên, điều 1056 của bộ Giáo Luật 1983 (GL) có nói đến hai đặc tính của Hôn Nhân Kitô giáo là độc nhất và bất khả phân ly.
Khi nói đến tính độc nhất, ta hiểu đó là kiểu hôn nhân một vợ một chồng. Tự bản chất, khi yêu ai, ta muốn mình chỉ thuộc trọn về người đó, cũng như người kia chỉ thuộc trọn về mình. Tình yêu là một sự trao hiến hoàn toàn, chứ không phải một phần. Nó loại trừ tất cả mọi sự san sẻ. Hôn nhân, vì đặt nền trên tình yêu trao hiến hoàn toàn ấy, nên chỉ có thể trở nên trọn vẹn khi không có người thứ ba nào can thiệp vào. Chính từ sự kết hợp hoàn hảo và trọn vẹn giữa hai người này mà làm nảy sinh một mầm sống mới, như hoa quả của nhành cây ân ái, là đàn con. Ngoài ra, hôn nhân là kết quả của tình yêu. Người ta kết hôn để mưu cầu hạnh phúc chứ không chỉ đơn thuần là thoả mãn nhục dục, tìm con cái, hay để có cuộc sống sung túc về vật chất.
Hơn nữa, xét về phẩm giá, người nam và người nữ tuy khác nhau nhưng ngang bằng nhau, tất cả đều là vô giá và hạnh phúc của mỗi người đều phải được trân quý như nhau. Không có chuyện một người nam bằng hai hay ba người nữ gộp lại. Vì thế, một người nam tương xứng với một người nữ, làm nên một cuộc hôn nhân, rồi sinh ra con cái, đó là một tổ ấm hạnh phúc nhất. Có người từng nói, hôn nhân khác với bạn bè ở chỗ: bạn bè thì càng đông càng vui, còn với hôn nhân, chỉ cần có “người thứ ba” là đã có vấn đề lớn.
Khác với luật đời, luật Giáo hội, chiếu theo mệnh lệnh của Thiên Chúa, không cho phép hai người đã kết hôn thành sự và hoàn hợp ly dị. Nghĩa là, khi hai người trưởng thành, không có ngăn trở gì, tự do và ý thức xin Giáo hội chuẩn nhận cho tình yêu của mình, sau đó, họ đã có hành vi vợ chồng với nhau (gọi là hoàn hợp) thì hôn nhân đó là bất khả phân ly. Khi đưa ra quy định này, Giáo hội không có ý “làm khó” giáo dân, cũng không tự biến mình thành “kẻ độc đoán”, nhưng Giáo hội chỉ tuân theo lệnh truyền của Thiên Chúa từ thuở tạo thiên lập địa và được Đức Giêsu khẳng định: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc 10,6-9).
Đôi khi ta vẫn thấy có một số trường hợp hai người đã kết hôn, nhưng sau đó lại chia tay và kết lập giao ước mới. Đó không phải là vì Giáo hội cho phép ly hôn, nhưng vì hôn nhân đó bị mắc những ngăn trở nào đó, khiến nó đã không thể thành sự ngay từ lúc đầu. Hoặc đôi khi, vì lợi ích đức tin của tín hữu, Giáo hội chuẩn chước cho một số trường hợp ngoại lệ theo những điều kiện quy định để hưởng “các đặc ân đức tin”. Tuy nhiên, để cứu xét những trường hợp này, Giáo hội phải rất cẩn trọng, để không đi ngược lại với giáo huấn của Thiên Chúa, mà vẫn có thể giúp cho các bên sống đức tin của mình cách tốt đẹp nhất.
Giải quyết trường hợp “cơm không lành, canh không ngọt”
Không phải là Giáo hội không biết đến những khó khăn trong đời sống vợ chồng hay cố tình làm ngơ thực tại mà chỉ chăm lo gìn giữ một kiểu truyền thống cổ hủ nào đó. Giáo hội biết rõ là không phải hôn nhân nào cũng có cái kết viên mãn. Có rất nhiều cặp vợ chồng Công giáo sống rất tồi tệ, gia đình không hạnh phúc. Thậm chí, còn có những kiểu bạo hành khiến cho một trong hai bên “sống không bằng chết”. Phải làm gì trong trường hợp này? Chẳng lẽ Giáo hội cứ nhắm mắt làm ngơ, và chỉ vì cái đức tin gì gì đó mà để người vợ/chồng phải chịu thiệt thòi và sống trong đau khổ cả đời?
Trong một tập tài liệu nhỏ có tựa đề: Những nguyên tắc luân lý pháp lý, phần 9, “Hôn nhân – Luật – Luật sư”, nhà thần học luân lý R.P. Murray đã nói rằng: Các luật sư Công giáo có thể bào chữa cho trường hợp của đương sự từ chối ly hôn trong một hôn nhân hợp pháp; bào chữa cho trường hợp của đương sự có hôn nhân bị Giáo hội tuyên bố vô hiệu; bào chữa cho trường hợp của đương sự chỉ muốn bảo vệ các quyền hợp pháp, chứ không ly dị vì muốn tái hôn. Ngoài những trường hợp hiếm hoi này, luật sư Công giáo phải từ chối tham gia tố tụng cho vụ án ly hôn cho dù các bên liên quan không phải là người Công giáo, vì giả định là họ tin rằng hôn nhân là bất khả phân ly.
Trước năm 1965, nhiều luật dân sự có những quy định tương đối nghiêm ngặt, thậm chí là khắt khe, liên quan đến việc ly hôn. Chẳng hạn, luật của New York trước năm 1965 chỉ cho phép ly dị trong trường hợp có ngoại tình. Điều này dẫn tới việc có một số người rời bỏ tiểu bang, còn những người ở lại thì phải khai man để được ly hôn. Việc khai man này cũng là một lý do khác giải thích tại sao các luật sư Công giáo chân chính không nên dính líu vào các thủ tục ly hôn. Đồng thời, Công Đồng Vatican II đã than phiền “cơn dịch ly hôn” như là một trong “những quái dạng” làm lu mờ đi nét tuyệt hảo của hôn nhân. Theo Công Đồng, không chỉ sự thiện hảo của cá nhân nhưng sự thiện hảo của xã hội con người và Kitô giáo cũng được nối kết mật thiết với hôn nhân bền vững và đời sống gia đình.
Tuy nhiên, giáo luật cũng cho phép ly thân (GL điều 1151-1155) với điều kiện không được tái hôn, nghĩa là trong trường hợp vợ và chồng khi không thể sống hạnh phúc bên nhau, có thể sống xa nhau. Thậm chí, nếu việc sống xa nhau mà vẫn không đảm bảo được an toàn và một số quyền lợi chính đáng, thì Giáo hội vẫn cho phép ly dị theo toà đời. GL điều 2383 nói như sau: “Nếu sự ly dị theo toà đời là cách duy nhất để bảo đảm một số quyền lợi chính đáng, để lo cho các con hoặc để bảo vệ di sản, thì có thể được dung thứ và không tạo thành một lỗi phạm nào về luân lý”. “Không tạo thành một lỗi phạm về luân lý” có nghĩa là không có tội.
Tuy nhiên, lưu ý rằng sự ly dị mà Giáo Luật nói ở trên là ly dị theo tòa đời, nghĩa là nhờ đến pháp luật nhà nước để chấm dứt những ràng buộc và đảm bảo về tài sản cũng như quyền lợi của mình. Chẳng hạn, khi đã ly dị theo toà đời rồi, người chồng không còn quyền gì trên người vợ nữa, nếu anh ta dùng bạo lực hay cưỡng đoạt tài sản cách vô lý thì sẽ bị pháp luật xử lý.
Sự khác biệt giữa xã hội và Giáo hội liên quan đến vấn đề này là: xã hội thì cho phép thiết lập hôn nhân mới, còn Giáo hội thì không. Giáo hội không cho phép một trong hai bên thiết lập hôn nhân với ai khác, vì một lý do: họ còn đang bị ràng buộc bởi một hôn nhân có đặc tính bất khả phân ly; một trong hai bên chỉ được giao kết một hôn nhân khác khi người kia qua đời. Người nào cố tình vi phạm thì bị xem là sống trong tình trạng “rối”, sẽ phải chịu những hình phạt của Giáo hội và dù xã hội có nhìn nhận hôn nhân mới thì với Giáo hội, nó cũng không thành sự.
Nói tóm lại, khi gia đình có lục đục mà không thể giải quyết được dù đã tìm đủ mọi cách, hai bên có thể đưa nhau ra toà đời để xin chấm dứt hôn nhân của mình, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho cả hai. Nhưng trước mặt Chúa và Giáo hội, họ vẫn là vợ chồng, nên họ không được đi đến hôn nhân với người khác khi người phối ngẫu kia vẫn còn sống. Xuất phát từ đức ái Kitô giáo và mối bận tâm điều tốt đẹp cho gia đình, giáo luật cũng khuyến khích bên bị hại hãy tha thứ những lầm lỗi cho bên kia và đừng chia cắt đời sống hôn nhân (GL 1152, § 1).
Vì Giáo hội muốn nâng đỡ hôn nhân nên, vì đức ái Kitô giáo cũng như vì điều tốt đẹp cho gia đình, luật sư Công giáo nên cố gắng hòa giải giữa hai bên để bảo vệ tầm quan trọng của hôn nhân bất khả phân ly, cho dù việc hòa giải đó có thể không thành công. Dẫu biết rằng có nhiều người không đồng tình với Giáo hội về điều này nhưng không còn cách nào hơn vì không thể đi ngược lại với mệnh lệnh của Thiên Chúa: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6). Đó là chưa nói đến những tác hại mang tính xã hội mà việc cho phép ly dị cách thoải mái và bừa bãi có thể gây ra.
Bởi thế, Giáo hội khuyên các tín hữu hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi đi đến hôn nhân. Hôn nhân không phải là trò chơi nhưng là một cam kết lâu dài. Dĩ nhiên, liên quan đến mục vụ, có rất nhiều trường hợp Giáo hội ban những phép đặc biệt như đặc ân Phaolô, đặc ân Phêrô (gọi là đặc ân đức tin) để giúp các tín hữu giải quyết những khúc mắc trong đời sống vợ chồng mà không lỗi với đức tin Công giáo.
Thân chúc bạn mọi điều tốt lành và mong bạn hiệp lời cầu nguyện cho các gia đình luôn bình an và hạnh phúc trong ơn Chúa!
Tham khảo:
Smith, William B,. Modern Moral Problems: Trustworthy Answers to Your Tough Questions, edited by Donald Haggerty, Ignatius Press, San Francisco, 2012.
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Bộ giáo Luật 1983, bản dịch 2006.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 5, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)
WHĐ (24.04.2023)

Có thể là hình minh họa về 3 người

ĐỂ GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC CẦN NHỚ 3 THỨ
- 3 thứ rất dễ phá vỡ hạnh phúc gia đình, đó là ngoại tình, giả dối và vô trách nhiệm.
- 3 thứ rất dễ hủy hoại hạnh phúc gia đình, đó chính là sự nóng giận, kiêu căng và nhỏ nhen.
- 3 thứ vô giá nhất đối với gia đình, đó chính là sức khỏe, lương thiện và chân tình.
- 3 thứ giúp gia đình sống vui vẻ và hạnh phúc, đó chính là biết đủ, biết giúp đỡ và biết tha thứ.
- Và cuối cùng, 3 thứ giúp gia đình sống thánh thiện chính là cầu nguyện, hy sinh và bác ái.