Kinh Ông Thánh Giuse & 7 điều nên tránh trong Mùa Chay
Ngày đăng: 2:25 AM - 16/03/2023
Kinh Ông Thánh Giuse
Kinh Ông Thánh Giuse Bầu Cử (miền Bắc)
Lạy ơn Ông Thánh Giuse. Chúng con chạy đến cùng Người, trong cơn gian nan chúng con mắc phải. Chúng con đã kêu van cùng Rất Thánh Đức Bà là Đấng đã làm Bạn cùng Người, phù hộ gìn giữ chúng con, thì chúng con cũng lấy lòng trông cậy cho vững vàng, mà xin Ông Thánh Giuse bầu cử cho chúng con như vậy.
Chúng con xin vì nhân đức kính mến, mà Người làm Bạn cùng Rất Thánh Đồng Trinh là Mẹ Chúa Trời, và là Đấng chẳng mắc phải tội tổ tông truyền, cùng vì lòng thương Người đã ẵm lấy Đức Chúa Giêsu, thì chúng con xin Ông Thánh Giuse ghé mặt lại mà thương đến Hội Thánh, là phần sản nghiệp Đức Chúa Giêsu đã lấy Máu Thánh mình mà chuộc. Lại xin Người dùng sức mạnh thiêng liêng và quyền phép Người, mà giúp đỡ những sự chúng con còn thiếu thốn.
Lạy Đấng đã coi sóc Đức Chúa Giêsu cùng Đức Bà cho cẩn thận, thì chúng con xin Người bênh vực con cái Đức Chúa Giêsu đã chọn. Lạy Cha rất thương yêu! Chúng con xin Người cất mọi sự dối trá cùng mọi tội lỗi, cho chúng con khỏi mắc phải những sự ấy. Lạy Đấng rất mạnh đang ở trên trời hay gìn giữ chúng con, xin Người dủ lòng thương mà che chở chúng con đang khi chiến trận cùng kẻ thù tối tăm là các ma quỉ.
Như xưa Người đã gìn giữ Đức Chúa Giêsu cho khỏi cơn hiểm nghèo thế nào, thì rầy chúng con cũng xin Người cứu chữa lấy Hội Thánh, cho khỏi các mưu kế giặc thù, và các sự gian nan khốn khó như vậy, cùng xin Người hằng bầu cử cho chúng con được bắt chước Người, và trông cậy vì quyền thế Người, cho được giữ đạo cho trọn, cùng được chết lành, và được hưởng phúc vô cùng trên thiên đàng. Amen.
A thân lạy Thánh cả Giuse (miền Nam)
A thân lạy Thánh cả Giuse
Chúng con rày đang cơn khuẩn bức,
Đều tuôn đến kêu cầu Thánh cả;
Lại có cậy ơn Bạn thánh Người.
Thì mới dám gắn vó kêu ca,
Xin Thánh cả hộ phụ bàu chữa,
Vì tấm lòng thanh ái thiết tha,
Buộc thánh cả hiệp cùng Trinh Nữ,
Mẹ Thiên Chúa chẳng vướng tội truyền;
Lại vì tình phụ từ ái tử,
Khiến Thánh cả bồng Chúa Hài nhi,
Thì chúng con quỳ cúi nguyện xin,
Nài thánh cả đoái nhìn cơ nghiệp,
Là của Chúa Giêsu Kitô,
Đã lấy Máu mình mà chuộc lại;
Xin Thánh cả dùng thửa phép quờn,
Hộ chúng con đàng thì khuẩn bức,
Thân Thái bảo trang khoa cẩn mật,
Gìn nhà Chúa mọi vẻ vẹn toàn,
Nguyền hộ lấy con cái yêu đang,
Chúa Giêsu Kitô đã chọn,
Cúi lạy Cha dấu yếu rất mực,
Xin cấm đoán mọi nẻo sai lầm,
Cùng tuyệt trừ dịch lây thói đục,
Cho chúng con giữ dạ sạch trong.
Đấng hộ thủ rất nên dõng lực,
Xin đem lòng ái tuất dân nghèo,
Nguyện khấng chóng bởi trời ngự xuống.
Giúp chúng con đang trận loạn thương,
Hỗn chiến cùng quỷ thần u ám.
Xưa Thánh cả phò Chúa Hài nhi,
Ngõ cho khỏi thửa vòng nguy hiểm,
Rày xin hộ Hội thánh Chúa Trời,
Đặng thoát chước thù oan quỷ trá,
Cùng mọi đàng trở đáng tai ương,
Sau xin vực chúng con ai nấy,
Ngõ in thức thánh cả lưu truyền,
Cùng cậy trông ơn Người ủng hộ,
Cho chúng con sanh thuận tử an.
Hầu hưởng phước tiêu diêu cõi thọ. Amen
https://gpcantho.com/kinh-ong-thanh-giuse/
Trong hành trình Mùa Chay, tín hữu Công giáo được mời gọi ăn chay và tránh làm một số điều để chuẩn bị tâm hồn cho việc cử hành mầu nhiệm Chúa Giêsu chiến thắng tội lỗi và sự chết qua sự Phục sinh.
Dưới đây là 7 gợi ý rút ra từ những Sứ điệp, diễn văn và bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô có thể giúp chúng ta sống mùa Chay năm nay một cách cụ thể và hữu hiệu hơn.
1. Tránh việc xa lánh Thiên Chúa
Trong bài giảng Thánh lễ Thứ Tư Lễ Tro năm nay, 22. 02. 2023, Đức Thánh Cha nhắc nhở:
Mùa Chay thực sự là “thời gian thuận lợi” để trở về với những gì thiết yếu, để trút bỏ tất cả những gì đè nặng lên chúng ta, để được giao hòa với Thiên Chúa, và để thắp lại ngọn lửa Thánh Thần ẩn dưới lớp tro tàn bản tính nhân loại yếu đuối của chúng ta.
Ngài giải thích rằng, “Nghi thức xức tro bắt đầu cuộc hành trình trở về này” nhắc nhở chúng ta “ai là Đấng Tạo Hóa và ai là thụ tạo”, để tuyên xưng rằng chỉ có Thiên Chúa là Chúa, để chúng ta cởi bỏ sự giả vờ “cho mình là tự đủ” và muốn đặt mình làm trung tâm. Đây là một cơ hội để “trở về với sự thật về chính mình và trở về với Chúa và anh chị em chúng ta”.
2. Tránh sự kiêu ngạo thiêng liêng
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin Chúa Nhật ngày 23. 10. 2022, Đức Thánh Cha đã cảnh báo chống lại “sự kiêu ngạo thiêng liêng”, là điều khiến chúng ta đặt mình lên trước người khác và lên trước Thiên Chúa. Sự kiêu ngạo này ngăn cản chúng ta hướng tới người khác: “Nơi nào có quá nhiều “cái tôi”, thì ở đó có quá ít Thiên Chúa”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh,
Chúng ta có nguy cơ rơi vào điều này. Nó khiến chúng ta tin rằng mình hoàn hảo và bắt đầu xét đoán người khác […] Nếu không cẩn trọng, chúng ta tôn thờ cái tôi của mình và rũ bỏ Thiên Chúa. Nó là việc chúng ta đang xoay quanh chính mình. Lời cầu nguyện như này không có sự khiêm nhường.
Để có thể trở nên khiêm tốn hơn, không bao giờ là điều dễ dàng, do đó,
Chúng ta hãy nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria Rất Thánh, người tôi tớ khiêm nhường của Thiên Chúa, Mẹ là hình ảnh sống động về những gì Thiên Chúa mong muốn thực thi qua việc hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
3. Tránh những nền tảng truyền thông kỹ thuật số
Với sứ điệp Mùa Chay 2022, Đức Thánh Cha nói rằng thời gian Phụng vụ này là thời điểm hoàn hảo để chống lại sự cám dỗ của các phương tiện kỹ thuật số, “thứ làm nghèo đi các mối tương quan của con người”. Ngài khuyến khích chúng ta nuôi dưỡng “những cuộc gặp gỡ trực tiếp diện đối diện đích thực”.
Đây cũng là lời cảnh báo mà Đức Thánh Cha thường đưa ra, chẳng hạn như trong sứ điệp gửi tới SIGNIS, một hiệp hội Công giáo quốc tế về truyền thông vào tháng 7. 2022. Một cách cụ thể, cho dù thừa nhận “phương tiện kỹ thuật số đã có thể dẫn chúng ta đến với nhau như thế nào” qua việc “phổ biến thông tin cơ bản” và “hiệp nhất toàn bộ gia đình và cộng đoàn giáo hội trong lời cầu nguyện và thờ phượng”, nhưng Đức Thánh Cha vẫn không quên nhấn mạnh những phương tiện này phải được sử dụng một cách khôn ngoan:
Việc sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, đặc biệt là mạng xã hội, đã đặt ra một số vấn đề đạo đức nghiêm trọng” và nhiều “trang mạng truyền thông đã trở thành khu vực độc hại với ngôn từ kích động thù địch và tin tức giả mạo.
4. Tránh sự phân cực và chia rẽ
Thật dễ để bị cuốn vào những cuộc tranh luận và chia rẽ ảnh hưởng đến xã hội hàng ngày. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha gọi người Công giáo “không phải một trong hai – hoặc” mà là “cả hai – và, kết hợp những khác biệt”. Trong cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí Jesuit America, được xuất bản vào tháng 11. 2022, Đức Thánh Cha tuyên bố rõ ràng “Sự phân cực không phải là Công giáo. Một người Công giáo không thể suy nghĩ ‘ủng hộ hay chống đối’ và giảm thiểu mọi thứ thành sự phân cực”.
Ngài giải thích xa hơn,
Người Công giáo kết hợp người tốt và người ít tốt hơn. Dân Thiên Chúa là một. Sự phân cực đến từ não trạng chia rẽ vốn ưu đãi người này và gạt người khác sang một bên. Người Công giáo luôn nghĩ đến sự hài hòa giữa những sự khác biệt.
5. Tránh vô cảm đối với tha nhân
Đức Thánh Cha khẳng định rõ trong Sứ điệp Mùa Chay 2015,
Vô cảm đối với tha nhân và với Thiên Chúa cũng là một cám dỗ thực sự đối với các Kitô hữu chúng ta. Vì thế, hằng năm vào Mùa Chay chúng ta cần nghe lại lời các ngôn sứ lên tiếng thức tỉnh lương tâm chúng ta.
Việc quan tâm đến những người bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề, và đau khổ trong xã hội là điểm cốt yếu trong triều đại giáo hoàng của Đức giáo hoàng Phanxicô. Ngài thường lên án “văn hóa vứt bỏ” và kêu gọi đề cao phẩm giá của mỗi con người. một lần nữa, ngài nhắc nhở:
Mùa Chay là thời gian thuận tiện để bày tỏ mối quan tâm này đối với người khác, qua những dấu chỉ –tuy bé nhỏ nhưng cụ thể– nói lên rằng chúng ta thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất.
6. Tránh xa những tiếng ồn không cần thiết
Qua hàng loạt bài giáo lý về Thánh Giuse trong các buổi Tiếp Kiến Chung, vào ngày 15. 12. 2021, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thinh lặng, Ngài giải thích tại sao các sách Tin Mừng không tường thuật bất cứ một lời nào của thánh nhân, “Qua sự thinh lặng của mình, thánh Giuse mời gọi chúng ta hãy dành chỗ cho sự Hiện diện của Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm, cho Chúa Giêsu".
Đức Thánh Cha nhận ra rằng sự thinh lặng khiến nhiều người “sợ hãi”, vì nó buộc người ta phải hướng nội. Tuy nhiên, ngài cho thấy, “trau dồi thinh lặng” là “để cho Chúa Thánh Thần có cơ hội tái tạo chúng ta, an ủi và sửa dạy chúng ta”.
Trong bài diễn văn mới đây, ngày 20. 01. 2023, trước các vị phụ trách Phụng vụ của giáo phận, Đức Thánh Cha cũng giải thích rằng sự thinh lặng trong Thánh lễ là đặc biệt quan trọng. Vì sự thinh lặng này “giúp chúng ta chuẩn bị cho mầu nhiệm” Thánh Thể. Ngoài ra, Đức Thánh Cha cũng là người rất có lòng yêu mến Đức Mẹ Thinh lặng.
7. Tránh xa thái độ tự yêu mình, coi mình là nạn nhân, và bi quan
Trong bài giảng Lễ Hiện Xuống năm 2020, Đức Thánh Cha xác định “ba kẻ thù chính” ngăn cản chúng ta đón nhận hồng ân của Chúa Thánh Thần tràn ngập tâm hồn chúng ta: đó là thái độ “tự yêu mình (narcisismo), thái độ coi mình là nạn nhân (vittimismo) và thái độ bi quan (pessimismo)”.
Đức Thánh Cha minh họa,
Thái độ tự yêu mình làm cho ta tôn thờ chính mình, chỉ hài lòng về những thành đạt và lợi lộc của mình. […] Thái độ coi mình nạn nhân, hằng ngày than trách người khác. Than trách rằng không ai hiểu mình và không cảm thấy điều mình cảm nhận. […] Người bi quan bất mãn với thế giới, nhưng tiếp tục bất động, không làm gì, và nghĩ rằng: “Hiến thân có ích gì đâu”.
Thuốc giải độc đối với những kẻ thù này là cầu nguyện. Chúng ta hãy khiêm tốn nài xin
Chúa Thánh Thần, Đấng là ký ức của Thiên Chúa, khơi dậy trong chúng ta ký ức về hồng ân đã nhận lãnh. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự tê liệt vì ích kỷ và khơi lên trong chúng ta ước muốn phục vụ, làm điều thiện.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP chuyển ngữ từ: aleteia.org (02. 3. 2023)
Nguồn hdgmvietnam
HIỆP HÀNH TRONG SỰ KHÁC BIỆT
“Khi tôi sinh ra, da tôi màu đen. Khi tôi lớn lên, da tôi màu đen. Khi tôi đi dưới nắng, da tôi màu đen. Khi tôi sợ, da tôi màu đen. Khi tôi bệnh, da tôi màu đen. Và khi tôi chết, da tôi vẫn màu đen.
Còn bạn, hỡi người da trắng. Khi bạn sinh ra, da bạn màu hồng. Khi bạn lớn lên, da bạn màu trắng. Khi bạn đi dưới nắng, da bạn màu đỏ. Khi bạn lạnh, da bạn màu xanh. Khi bạn sợ, da bạn màu vàng. Khi bạn bệnh, da bạn màu xanh lá. Và khi bạn chết đi, da bạn màu xám. Thế mà bạn gọi tôi là người da màu ư?”
Quý vị và các bạn thân mến,
Trên đây là bài thơ đoạt giải hay nhất năm 2005 do một em bé Châu Phi viết về sự phân biệt màu da của con người. Thiên Chúa dựng nên mỗi người một vẻ độc đáo khác biệt nhau, điều này diễn tả quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa. Hình thức bên ngoài của một người dù đẹp hay xấu, cao hay thấp, da trắng hay da đen…đối với Chúa không có gì là xấu, tất cả đều được tôn trọng và yêu thương. Điều ý nghĩa nằm ở tâm hồn và thái độ sống của mỗi người. Có những người được phú ban một khuôn mặt xinh đẹp nhưng trong lòng lại tham lam ích kỷ, nói năng thô lỗ. Trái lại có người hình thức không có gì đặc biệt nhưng lại có tấm lòng nhân ái vị tha. Dù nhỏ bé xấu xí nghèo hèn đến đâu, con người đều có phẩm giá và nhân vị vì họ được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa. Nhận biết được điều này, chúng ta được mời gọi phải tôn trọng người khác với tất cả sự khác biệt của họ. Ông Gerandy, nhà tư tưởng người Mỹ đã từng nói: “Chúng ta cần giống nhau một chút để hiểu nhau, nhưng cần phải khác nhau một chút để yêu thương nhau”. Chính sự khác biệt nơi mỗi người mà chúng ta chia sẻ đắp đổi cho nhau, cùng cộng hưởng làm cho cuộc sống thêm phong phú và ý nghĩa.
Giá trị của cuộc sống không căn cứ trên số đo chiều cao của một người, chất lượng của cuộc sống không tính bằng sự hơn thua về nhan sắc nhưng dựa vào thái độ chúng ta trao tặng và dâng hiến cho cuộc đời và cho mọi người. Chúng ta không sống như một ốc đảo nhưng là sống cùng và sống với người khác. Chúng ta không thể tự thỏa mãn với chính mình nhưng luôn cần sự chia sẻ, nâng đỡ và an ủi của người khác. Người kiêu căng tự cho mình là đầy đủ nên Thiên Chúa không thể ban thêm điều gì, trái lại người khiêm tốn như một chiếc ly còn trống rỗng sẽ dễ dàng đón nhận được nhiều ân sủng của Thiên Chúa. Thánh Phaolô tông đồ có nhiều kinh nghiệm về điều này, thánh nhân đã khiêm tốn nhận mình là tôi tớ đầy yếu đuối chẳng có gì để mà vênh vang. Chúng ta có là gì thì cũng nhờ bởi ơn Chúa.
Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải đón nhận người khác như anh em vì “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Ga 13,20). Sứ mạng của Chúa Giêsu đến trần gian không phải để kêu gọi người công chính nhưng là kêu gọi người tội lỗi. Ai khiêm tốn nhận mình là yếu hèn tội lỗi thì Thiên Chúa càng ban ơn giúp sức. Thiên Chúa đặc biệt yêu thích những ai có tâm hồn đơn sơ khiêm tốn. Lời thánh Augustinô đã xác quyết: “Chúa là Đấng cao cả, nếu con hạ mình xuống, Người cũng hạ mình xuống kết hợp với con; nhưng nếu con nâng mình lên, Người sẽ tránh xa con”.
Vì thế mỗi người chúng ta cũng đừng tự mãn cho mình là người hoàn hảo mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác. Trái lại chúng ta là một thụ tạo với đầy khuyết điểm và tính hư nết xấu. Mang trong mình di chứng của tội nguyên tổ, chúng ta luôn bị cám dỗ chiều theo sự xấu. Nhận ra điều này để chúng ta biết cậy nhờ vào ơn Chúa giúp mà hoàn thiện chính mình.
Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành, chúng ta được mời gọi tôn trọng sự khác biệt nơi người khác, biết khiêm tốn phục vụ, lắng nghe và cùng nhau thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Hội Thánh Chúa là một gia đình, ở đó mỗi người đều có phận vụ của mình. Tất cả chúng ta đều cần đến nhau trong mối tương hỗ cảm thông, để mỗi sự khác biệt trở nên hòa hợp như các sắc màu kết nên cầu vồng hy vọng.
Lạy Chúa, Chúa đã đến để yêu thương và cứu chuộc trần gian, xin cho chúng con có một trái tim quảng đại, biết yêu thương và tôn trọng hết mọi người. Xin cho chúng con ánh mắt của Chúa để khám phá ra giá trị và vẻ đẹp nơi người khác và để ngợi ca kỳ công của Chúa. Amen.
https://gpcantho.com/hiep-hanh-trong-su-khac-biet/
Nt. Anh Thư