Trầm cảm & 80% người bị ung thư bàng quang đều có biểu hiện sớm này & 7 thói quen giúp người già sống thọ & Nguy hại lớn từ cơn nóng giận
Ngày đăng: 5:22 PM - 29/03/2023
Trầm cảm – nhận thức cộng đồng và hỗ trợ điều trị
https://giaophanhatinh.org/tram-cam-nhan-thuc-cong-dong-va-ho-tro-dieu-tri.htdiocese
Ảnh minh họa
TRẦM CẢM – NHẬN THỨC CỘNG ĐỒNG VÀ HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ
Ngọc Tín, S.J.
Trầm cảm là một tâm trạng vượt xa nỗi đau buồn thông thường và có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống người bệnh. Trầm cảm có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau và các triệu chứng của nó có thể khác nhau ở mỗi người. Tuy nhiên, đặc điểm chung của chứng trầm cảm là cảm giác buồn bã, chán nản, vô vọng, mất ngủ, mệt mỏi, khó tập trung, khó tự chủ, mất phương hướng, không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, mất hứng thú với những điều đã từng gây hứng thú,…[1] Trong một số trường hợp, trầm cảm có thể dẫn đến hậu quả thương tâm như tự tử, làm hại bản thân hoặc người khác như trường hợp người mẹ trẻ mắc chứng trầm cảm, dìm chết hai con, gây xôn xao dư luận trong những ngày qua[2].
Điều quan trọng cần lưu ý, trầm cảm không phải là một tình trạng mà một người có thể đơn giản “thoát khỏi” nó. Trầm cảm là một chứng bệnh tâm thần nghiêm trọng và phức tạp, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới[3], cần được điều trị, bao gồm trị liệu tâm lý, dùng thuốc hoặc kết hợp cả hai. Việc hỗ trợ những người đang đấu tranh với chứng trầm cảm cũng rất cần thiết, vì sự cô lập và kỳ thị của cộng đồng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Việc thiếu nguồn lực và hỗ trợ trị liệu là một mối quan tâm đáng kể, vì trầm cảm có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho bản thân người bệnh và gia đình họ. Nó có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của một người, từ khả năng làm việc và duy trì các mối quan hệ đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Trầm cảm cũng có thể dẫn đến tăng nguy cơ tự tử, vì các cá nhân có thể cảm thấy tuyệt vọng và không thể tìm ra lối thoát cho nỗi đau của mình. Do đó, các dịch vụ và nguồn lực về sức khỏe tâm thần phải trở nên dễ tiếp cận hơn cho những người đang cần đến.
Theo giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo, mỗi người đều có phẩm giá cao quý và giá trị vốn có, và tất cả mọi người được mời gọi để yêu thương và phục vụ người khác. Điều này bao gồm những người đang phải vật lộn với bệnh tâm thần hay trầm cảm. Giáo hội quan tâm việc thăng tiến con người, thúc đẩy sự phát triển sức khỏe tinh thần quân bình và lành mạnh, nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng và hỗ trợ xã hội. Đồng thời, Giáo hội cũng tạo ra nhiều nguồn hỗ trợ, chẳng hạn như các tổ chức từ thiện Công giáo cung cấp các dịch vụ tư vấn và các nhóm hỗ trợ cho những người có nhu cầu, nhiều bệnh viện và phòng khám Công giáo cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần chuyên biệt. Giáo hội cũng khuyến khích tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia nhằm hỗ trợ thích đáng cho những người đang phải vật lộn với chứng trầm cảm hay bệnh tâm thần nói chung[4].
Một số liệu pháp tâm lý có thể giúp ích cho những người bị trầm cảm. Chẳng hạn như, liệu pháp nhận thức-hành vi (the Cognitive-Behavioral Therapy), được nhìn nhận là hiệu quả trong điều trị trầm cảm bằng cách giúp người bệnh nhận diện các thách đố và kiểu suy nghĩ tiêu cực của họ[5]. Thuốc, chẳng hạn như thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, cũng có thể hữu ích trong việc kiểm soát các triệu chứng trầm cảm[6]. Tuy nhiên, việc điều trị trầm cảm không phải là một phương pháp phù hợp với tất cả mọi người và những gì hiệu quả với người này có thể không hiệu quả với người khác. Điều cần thiết là sự hợp tác, quan tâm và thấu hiểu để tìm ra kế hoạch điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
Ngoài ra, một số lý thuyết tâm lý có thể giúp hiểu hơn về trầm cảm và hậu quả của nó, trong số đó có lý thuyết mô hình nhận thức-hành vi (the Cognitive-Behavioral Model of depression). Lý thuyết này gợi ý rằng, có những mô hình hay kiểu suy nghĩ và nhận thức tiêu cực có thể dẫn đến sự phát triển và duy trì bệnh trầm cảm. Lý thuyết này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết những suy nghĩ và nhận thức tiêu cực thông qua liệu pháp tâm lý và tái cấu trúc nhận thức theo chiều hướng tích cực[7]. Bên cạnh đó, lý thuyết mô hình xã hội (the Social Model of depression) nhấn mạnh tác động của các yếu tố xã hội và môi trường đối với sức khỏe tâm thần. Lý thuyết này gợi ý rằng các yếu tố như gặp khủng hoảng về kinh tế, trong tương quan tình cảm, sự nghèo đói, cô lập xã hội và kỳ thị văn hóa có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh trầm cảm và việc giải quyết các yếu tố văn hóa xã hội này có thể là một phần thiết yếu của việc điều trị[8].
Vụ án thương tâm như đã đề cập ở trên không phải là một trường hợp cá biệt. Trong thực tế, bệnh tâm thần thường bị kỳ thị và hiểu lầm, dẫn đến nhiều người không nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ cần thiết. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trầm cảm là rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến nhất ở Việt Nam, ảnh hưởng đến hơn 4 triệu người[9]. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh này cao nhưng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam còn hạn chế, chỉ có 13 bệnh viện tâm thần và dưới 200 bác sĩ tâm thần phục vụ trong cả nước[10]. Trầm cảm là một vấn đề sức khỏe tâm thần phức tạp và đầy thách thức, đòi hỏi một cách tiếp cận đa dạng. Bằng cách thấu hiểu chứng trầm cảm, dựa trên lý thuyết tâm lý và giáo huấn của Giáo hội, chúng ta có thể cùng nhau nâng cao nhận thức về vấn đề quan trọng này, cung cấp sự chăm sóc và hỗ trợ nhân ái cho những người đang phải vật lộn với chứng trầm cảm. Nhiều người vẫn chưa nhận thức đúng mức về chứng bệnh tâm lý này. Thế nên, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề sức khỏe tâm thần là điều cần thiết. Điều này có thể bao gồm việc gây ý thức cộng đồng, đào tạo chuyên gia, thúc đẩy các dịch vụ sức khỏe tâm thần, và giảm bớt sự kỳ thị đối với người bệnh. Bằng cách làm việc cùng nhau, chúng ta có thể giúp đảm bảo rằng, mọi người có thể nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ cần thiết để có sức khỏe tinh thần lành mạnh.
Tóm lại, trầm cảm là một vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng cần được quan tâm và cần có nhiều nguồn lực hơn để đáp ứng nhu cầu thực tế ở Việt Nam. Bằng cách nâng cao nhận thức về bệnh trầm cảm và giảm bớt sự kỳ thị đối với người bệnh, cộng đồng có thể giúp đỡ và hỗ trợ họ trong tiến trình trị liệu và chữa lành. Cần ưu tiên sức khỏe tâm thần và đảm bảo rằng, những người đang phải chống chọi với chứng trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ cần thiết để phục hồi và phát triển.
Nguồn:hdgmvietnam
[1] American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and statistical manual of mental disorders (5th ed.). Lê Đình Phương. “Tổng quan về trầm cảm.” https://benhlytramcam.vn/benh-ly-tram-cam-237/
[2] Khanh Linh. “Mẹ dìm chết hai con nhỏ dưới sông nghi do trầm cảm.” Tuoi Tre. https://tuoitre.vn/me-dim-chet-hai-con-nho-duoi-song-nghi-do-tram-cam-20230309070857562.htm
[3] Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trầm cảm-Depression. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/depression
[4] United States Conference of Catholic Bishops. (2011). A Pastoral Response to Mental Illness.
[5] American Psychological Association. (2017). Evidence-Based Treatment for Depression.
[6] National Institute of Mental Health. https://www.nimh.nih.gov/health/topics/depression
[7] Beck, A. T., Rush, A. J., Shaw, B. F., & Emery, G. (1979). Cognitive therapy of depression. Guilford Press.
[8] Brown, G. W., & Harris, T. O. (1978). Social origins of depression: A study of psychiatric disorder in women. Free Press.
[9] World Health Organization. (2017). Depression and other common mental disorders: Global health estimates.
[10] Bộ Y Tế. Niên giám Thống kê Y tế 2018.
80% người bị ung thư bàng quang đều có biểu hiện sớm này

Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính thường gặp nhất trong các bệnh ung thư đường tiết niệu. Phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh giúp việc điều trị thành công hơn.
Ung thư bàng quang xảy ra khi các tế bào ung thư phát triển ở lớp lót bên trong của bàng quang. Khi các tế bào ung thư nhân lên, tạo thành khối u bên trong niêm mạc bàng quang và từ đó có thể gây ra chảy máu.
Theo Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Vương Quốc Anh, 80% bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư bàng quang đều có biểu hiện tiểu ra máu. Đây cũng là triệu chứng sớm hoặc thậm chí duy nhất mà một số bệnh nhân bị ung thư bàng quang gặp phải.
Ở các bệnh nhân ung thư bàng quang, dấu hiệu tiểu ra máu thường được phát hiện bằng mắt thường. Bệnh nhân có thể thấy nước tiểu có màu nâu sẫm, hồng, cam hoặc đỏ.
Ở giai đoạn đầu của bệnh, tiểu ra máu có thể là triệu chứng duy nhất. Một số bệnh nhân có thể có cảm giác nóng, đau hoặc rát đi kèm với tiểu ra máu. Triệu chứng tiểu ra máu có thể không xảy ra thường xuyên và xuất hiện lại sau đó vài tuần, thậm chí vài tháng.
Tiểu ra máu đôi khi không thể phát hiện được bằng mắt thường mà cần phải sử dụng các xét nghiệm để nhận biết. Nhiều bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư bàng quang mặc dù không có bất kỳ triệu chứng nào nhưng kết quả xét nghiệm khi đi khám tổng quát cho thấy có máu trong nước tiểu.
Mặc dù vậy, tiểu ra máu cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác như nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng thận, sỏi bàng quang hoặc sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư thận.
Một số loại thuốc cũng có thể gây tiểu ra máu, chẳng hạn như aspirin hoặc các loại thuốc làm loãng máu.
Tuy nhiên, nếu thấy triệu chứng tiểu ra máu, hãy tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám. Nếu phát hiện sớm bệnh, việc điều trị sẽ hiệu quả hơn.
Triệu chứng khác của ung thư bàng quang
Bên cạnh tiểu ra máu, ung thư bàng quang có thể có các dấu hiệu khác như:
- Tiểu thường xuyên
- Tiểu đột ngột
- Đau hoặc cảm giác nóng, rát khi đi tiểu
Khi ung thư tiến triển hoặc lan sang bộ phận khác của cơ thể sẽ gây ra các triệu chứng như:
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Đau ở phần lưng và bụng dưới
- Thường xuyên mệt mỏi
Ung thư bàng quang có nguyên nhân từ đâu?
Theo Mayo Clinic, có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang. Một số yếu tố có thể kể tới gồm:
Hút thuốc: Khi bạn hút thuốc, cơ thể sẽ xử lý các hóa chất trong khói thuốc và bài tiết một số chất độc qua nước tiểu. Những hóa chất độc hại này có thể làm hỏng niêm mạc bàng quang, làm tăng nguy cơ ung thư.
Tuổi cao: Nguy cơ ung thư bàng quang tăng lên khi bạn già đi. Mặc dù nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng hầu hết những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư bàng quang đều trên 55 tuổi, đặc biệt là ở nam giới.
Tiếp xúc với hóa chất độc hại: Thận có nhiệm vụ lọc các hóa chất độc hại từ máu và chuyển vào bàng quang để đào thải ra khỏi cơ thể. Do đó, nếu thường xuyên tiếp xúc với một số loại hóa chất có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Các hóa chất liên quan đến nguy cơ ung thư bàng quang bao gồm asen và các hóa chất được sử dụng trong sản xuất thuốc nhuộm, cao su, da, dệt may và các sản phẩm sơn.
Viêm bàng quang mạn tính: Viêm nhiễm mạn tính lặp đi lặp lại có thể làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào vảy. Ở một số khu vực trên thế giới, ung thư biểu mô tế bào vảy có liên quan đến tình trạng viêm bàng quang mạn tính do nhiễm sán máng - một loại ký sinh trùng.
Tiền sử gia đình: Ung thư bàng quang hiếm khi di truyền. Tuy nhiên những người có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh này cũng nên đề phòng nguy cơ mắc bệnh.
Phòng ngừa ung thư bàng quang
Chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây giúp hỗ trợ phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư bàng quang. (Ảnh: Getty)
Để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư bàng quang, mọi người nên:
- Bỏ thuốc lá;
- Uống đủ nước;
- Thận trọng khi làm việc trong môi trường có nhiều chất độc hại và nên khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh;
- Ăn nhiều trái cây và rau xanh có nhiều màu sắc khác nhau. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng một chế độ ăn giàu rau xanh và trái cây có thể giúp cơ thể chống lại ung thư bàng quang nhờ các chất chống oxy hóa có trong các thực phẩm này.
http://donggioanthienchua.net/80-nguoi-bi-ung-thu-bang-quang-deu-co-bieu-hien-som-nay.html
7 thói quen giúp người già sống thọ
Các thay đổi lối sống ở tuổi từ 60 trở đi như cải thiện chế độ ăn uống, tập thể dục, giảm sử dụng bia rượu có thể giúp bạn tăng tuổi thọ.
Một nghiên cứu công bố hồi tháng 2 năm ngoái của các nhà khoa học tại Đại học Bergen (Na Uy) chỉ ra rằng khi bước vào độ tuổi 60, nếu bạn dừng ăn thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là thịt đỏ và thịt chế biến, chuyển sang chế độ ăn "tối ưu" - tập trung vào ngũ cốc, đậu và hạt - bạn có thể tăng tuổi thọ gần 10 năm. Họ nhận thấy ngay cả khi thực hiện thay đổi chế độ ăn uống ở tuổi 80, bạn cũng có tăng tuổi thọ thêm 3 năm.
Rose Ann Kenny, giáo sư lão khoa tại Đại học Trinity College ở Dublin (Ireland), đề xuất 7 thay đổi về lối sống giúp người già sống lâu hơn.
Ăn như người Địa Trung Hải
Theo giáo sư Kenny, một trong những điều tốt nhất chúng ta có thể thực hiện để sống lâu hơn là tuân theo chế độ ăn Địa Trung Hải.
Một loạt các nghiên cứu xác nhận lợi ích sức khỏe của chế độ ăn Địa Trung Hải gồm ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, hải sản, đậu, hạt, dầu ô liu, đồng thời không sử dụng đường hoặc thực phẩm bão hòa.
Tránh thịt đỏ
Giáo sư Kenny cho biết, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn thịt chế biến sẵn, chẳng hạn xúc xích và thịt xông khói sẽ đẩy nhanh tiến trình lão hóa. Nghiên cứu từ Trung Quốc cho thấy những thực phẩm này là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp và thoái hóa thần kinh. Theo nghiên cứu này, tiêu thụ tổng lượng thịt đỏ và thịt chế biến sẵn từ 3,5 khẩu phần mỗi tuần trở lên trong khoảng thời gian 8 năm sẽ làm tăng 10% nguy cơ tử vong trong tám năm tới.
Thịt chế biến sẵn cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ vì chúng chứa hàm lượng tyramine cao, một loại axit amin kích hoạt sự tỉnh táo của não bộ. Tuy nhiên, ăn các loại cá béo như cá hồi, ngừ hoặc mòi sẽ giúp ngăn ngừa chứng mất trí nhớ, ung thư tuyến tiền liệt và giảm thị lực do tuổi tác.
Ăn ít
Giáo sư Kenny khuyên mọi người nên giảm lượng calo tiêu thụ trong ngày. Bà nhắc đến nghiên cứu đột phá năm 2011 của Giáo sư Roy Taylor ở Đại học Newcastle về điều trị bệnh tiểu đường type 2. Nghiên cứu cho thấy chất béo dư thừa trong gan và tuyến tụy gây ra bệnh tiểu đường type 2 và căn bệnh này có thể được đẩy lùi thông qua giảm cân.
Nhiều bệnh nhân trong nghiên cứu của Taylor không cần dùng thuốc sau khi áp dụng chế độ hạn chế calo. "Ăn tất cả bữa ăn trong khung thời gian 8 tiếng cũng có thể hữu ích vì điều này giúp giảm lượng đường trong máu và giảm viêm do lão hóa", bà Kenny nói.

Chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh giúp kéo dài tuổi thọ. Ảnh: Freepik
Chăm sóc hệ vi sinh vật đường ruột
Các nghiên cứu cho thấy hệ vi sinh vật trong đường ruột đóng vai trọng rất quan trọng đối với miễn dịch, tim và cân nặng. Nghiên cứu cho thấy bạn có thể tăng sự đa dạng của hệ vi sinh vật đường ruột trong vòng 72 giờ sau khi thay đổi thói quen dinh dưỡng.
"Bạn có thể làm điều này ở mọi lứa tuổi. Bạn hãy lựa chọn khẩu phần ăn có nhiều màu sắc như quả mâm xôi, nho và các loại thực phẩm ngâm chua như dưa cải bắp hoặc kim chi", chuyên gia khuyến nghị.
Giảm sử dụng bia rượu
Theo giáo sư Kenny, việc cắt giảm thức uống có cồn sẽ giúp bạn trẻ lâu hơn vì sử dụng bia rượu quá nhiều sẽ làm gián đoạn giấc ngủ và gây căng thẳng. Giảm sử dụng bia rượu cũng ngăn chặn những thay đổi ở tế bào mãn tính có thể dẫn đến ung thư, hoặc ảnh hưởng đến cơ bắp và phá vỡ sự cân bằng cơ thể.
Tuy nhiên, mọi người không nhất thiết phải kiêng rượu hoàn toàn vì các nghiên cứu cho thấy lợi ích sức khỏe của việc uống rượu vang đỏ vừa phải, không quá hai ly mỗi ngày.
Tập luyện thể dục
Tập luyện thể dục giúp bạn giảm nguy cơ tử vong sớm nhưng điều quan trọng là bạn phải chọn các bài tập phù hợp.
Hầu hết mọi người đều nhận thức được lợi ích của các bài tập aerobic, nhưng bài tập sức bền với tạ cũng quan trọng không kém trong việc giữ cho xương và cơ bắp chắc khỏe. Nghiên cứu từ Australia và Nigeria cho thấy chỉ cần dành ba giây mỗi ngày bài tập cuốn tạ tập cơ tay trước (từ từ hạ quả tạ tay xuống dưới eo), có thể giúp cải thiện sức mạnh đáng kể.
Với các bài tập aerobic, bạn hãy dành hơn 150 phút mỗi tuần. Theo giáo sư Kenny, đi bộ nhanh là sự bài tập luyện hoàn hảo nhất. "Bạn không nên ngồi yên quá 45 phút mỗi lần", bà nói thêm.
Hạn chế ngủ trưa
Mô hình giấc ngủ sẽ thay đổi khi về già. Giấc ngủ ban đêm bị gián đoạn nhiều hơn, mọi người sẽ dậy sớm hơn. Điều này khiến nhiều người muốn chợp mắt vào buổi trưa. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến nghị người già không nên ngủ sau 15h vì điều này sẽ làm gián đoạn nhịp sinh học, khiến năng lượng cạn kiệt. Mỗi người chỉ nên chợp mắt tối đa 20 phút.
Hồng Vân (Theo Telegraph)
Nguồn: https://vnexpress.net
http://donggioanthienchua.net/7-thoi-quen-giup-nguoi-gia-song-tho.html
Nóng giận là cảm xúc thường gặp ở mỗi con người. Đáng nói hơn, các gốc tự do được sản sinh từ những cơn nóng giận sẽ “thừa cơ” gây nên nhiều bệnh lý nguy hiểm. Nghiên cứu công bố trên tạp chí European Heart cảnh báo, nóng giận làm các cơn đau tim và đột quỵ tăng lên gấp nhiều lần.
Theo đó, các biến cố tim mạch có nguy cơ xuất hiện ngay lập tức sau những cơn giận bộc phát và nếu tần suất nóng giận 5 lần/ngày thì số ca bệnh tim mạch gấp khoảng 160 lần so với tần suất nóng giận 1 lần/tháng. Điều này không chỉ đơn giản gióng lên một hồi chuông cảnh báo, mà thể hiện rất rõ ràng mối tương quan giữa sự nóng giận và sức khỏe đang nhanh chóng trở thành một mối hiểm họa của thế kỷ 21.
Một lần nóng giận, độc chất thêm tích lũy
Theo các chuyên gia, nóng giận không hẳn là một cảm xúc xấu, thậm chí còn là bản năng tự vệ và giải tỏa cảm xúc của con người nếu được bộc lộ một cách có tự chủ. Tuy nhiên, khi lý trí phải “chào thua” cảm xúc thì sự nóng giận dần mất đi kiểm soát và nhiều hậu quả đáng tiếc sẽ xảy ra, dễ dàng làm “khổ mình, khổ người” (!).
Trạng thái nóng giận tác động đến tuyến thượng thận, làm tăng lượng đường trong máu, tim đập nhanh… Do đó, các nhà máy sản xuất năng lượng tại các tế bào phải liên tục đốt đường và các chất béo để cung cấp đầy đủ nhu cầu cho cơ thể. Đồng thời, quá trình này lại sinh ra nhiều gốc tự do gây hại khắp cơ thể.
Gốc tự do là những phân tử bị mất đi một điện tử và sinh ra trong quá trình trao đổi chất trong cơ thể. “Bi kịch” là gốc tự do luôn “rình rập” để “chôm chỉa” điện tử ở các phân tử lân cận và làm sản sinh ra hàng loạt gốc tự do khác. Tiến sĩ Sharma, giáo sư bệnh học và phòng chống ung thư tại Đại học Y Ohio State đã ví gốc tự do như những “đội quân hung hãn” gây tổn hại cho hầu hết các cấu trúc trên con người, dẫn đến rối loạn chức năng và làm chết tế bào, là thủ phạm gây lão hóa và hơn 100 bệnh tật, đặc biệt là các bệnh lý ở não.
Nóng giận gây nên nhiều bệnh
Trong cuộc sống ngày càng bộn bề nhiều áp lực, sự nóng giận càng trở nên thường xuyên hơn và song song đó, “đội quân” gốc tự do được “đà” gia tăng nhanh chóng, gây ra nhiều nguy hại lên cơ thể. Tại tế bào thần kinh não, gốc tự do làm rối loạn chức năng hoạt động của các tế bào, dẫn đến trí nhớ suy giảm, tập trung kém và tăng căng thẳng thần kinh (stress). Tại mạch máu não, gốc tự do gây tổn thương thành mạch, phát triển các mảng vữa xơ, làm lòng động mạch hẹp lại và giảm lưu lượng máu đến não, gây ra các chứng đau đầu, mất ngủ, chóng mặt...
Ngoài ra, khi nóng giận, cơ thể còn phải đối mặt với các nguy cơ bệnh lý như: viêm sắc tố da, tổn thương gan, phổi, viêm loét dạ dày, suy giảm hệ thống miễn dịch…
Kiềm chế cơn nóng giận
Kiềm chế sự nóng giận cũng là để phòng ngừa các bệnh lý nguy hiểm, các chuyên gia khuyên nên có những phương pháp điều chỉnh tâm lý và cải thiện thể chất, cụ thể như:
- Làm chủ những cảm xúc tiêu cực nhất thời và kiểm soát hành vi của mình. Khi nảy sinh mâu thuẫn, không nên áp đặt suy nghĩ của bản thân mà phải bình tĩnh lắng nghe, đối diện với vấn đề để có cách giải quyết đúng đắn.
- Buông lỏng toàn thân thư giãn. Tĩnh tâm, hít thở sâu 5 lần, dang hai tay ra để điều tiết cơ thể. Cố gắng tìm cách xua tan đi cơn giận như: tìm nơi yên tĩnh, uống nước, đếm từ 1 đến 10…
- Đồng thời, cơ thể cũng cần được trung hòa các gốc tự do có hại sinh ra vô số từ những cơn nóng giận. Một chế độ dinh dưỡng giàu các chất chống gốc tự do có thể giúp cơ thể tăng khả năng phòng vệ và ứng phó tốt trước các cơn nóng giận.
http://giaophanlongxuyen.org/tin-tuc/nguy-hai-lon-tu-con-nong-gian.html
Thùy Linh(thanhnien.vn
Sáng ngủ dậy làm ngay 7 việc này, về già sẽ ít phải lo bệnh tật
Nếu bạn chưa biết bắt đầu bằng việc làm gì buổi sáng thì ngay từ hôm nay, hãy áp dụng ngay những thói quen nhỏ nhất như khởi động, vệ sinh cá nhân và nạp năng lượng cho buổi sáng đúng cách... để có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt nhất cho mình.
Kéo căng cơ thể
Tỉnh dậy, bạn không nên dậy ngay mà nên nằm yên trên giường khoảng 5 phút, hít thở thật sâu. Sau đó hãy kéo căng cơ thể như một hình thức thể dục nhẹ nhàng giúp cơ thể thư giãn. Bởi khi ngủ với nhiều tư thế nằm sấp, co chân, nằm nghiêng… có thể khiến bạn bị mỏi, không thoải mái, thậm chí có cảm giác đau người khi thức dậy.
Đầu tiên bạn hãy nghiêng bên trái, sau đó bên phải, cuối cùng là nằm ngửa, trong đó có 3 lần vươn vai. Những động tác này sẽ làm cho xương khớp được kéo giãn thoải mái. Nó cũng giúp bạn cảm thấy khỏe khoắn, giảm thiểu sự đau mỏi cơ, đồng thời thúc đẩy sự tuần hoàn trong cơ thể.
Không nên rời khỏi giường ngay khi ngủ dậy. Ảnh minh họa
Không gấp chăn gối ngay sau khi ngủ dậy
Việc làm này có thể gây hại cho bạn. Khi chúng ta ngủ suốt đêm, cơ thể bạn bài tiết ra nhiều khí độc như CO2 và một số chất thải phát sinh qua hệ hô hấp và các lỗ chân lông… Chăn chính là nơi lưu lại những khí thải độc này nhiều nhất. Khi ngủ dậy nên mở cửa cửa sổ cho thoáng phòng, mở tung chăn, gối ra để các khí thải độc này bay đi hết. Sau khi làm vệ sinh cá nhân xong hãy quay lại gấp chăn.
Súc miệng bằng nước muối ấm
Lượng vi khuẩn trong miệng sẽ tăng lên rất nhiều sau 1 đêm dài. Do đó, sau khi thức dậy bạn nên súc miệng bằng nước muối ấm sẽ giúp cho quá trình diệt khuẩn diễn ra được tốt hơn, ngăn chặn các bệnh về răng miệng.
Uống nước ấm
Buổi sáng thức dậy cho dù không khát bạn cũng nên uống nước để bổ sung lượng chất lỏng bị mất vào buổi đêm và giúp bạn cảm thấy sảng khoái. Hơn nữa, uống nước sau khi thức dậy giúp cơ thể của bạn được thanh lọc, từ đó hỗ trợ tốt hơn cho tiến trình trao đổi chất cũng như tăng cường khả năng đào thải độc tố.
Tuy nhiên cần tránh nước uống có ga, có chất kích thích… vì chúng chứa axit citric làm tăng tốc độ bài tiết canxi làm canxi trong máu thấp hơn, có thể gây ra thiếu hụt canxi.
Tập thói quen đi vệ sinh
Nếu bạn không thường xuyên vào nhà vệ sinh vào buổi sáng, bạn nên bắt đầu thực hành thói quen này. Bởi sau một đêm tích tụ trao đổi chất, ruột và bàng quang đã chứa nhiều chất thải. Đại tiện vào buổi sáng để bài xuất đi độc tố trong cơ thể của ngày hôm trước, giúp cơ thể đào thải độc tố. Vì vậy sau khi ngủ dậy, cơ thể được thoát đi lượng chất thải này thì rất tốt. Thói quen tốt sẽ là tiền để bảo đảm sức khỏe tốt cho bạn.
Ảnh minh họa
Tập thể dục buổi sáng
Một vài phút khởi động buổi sáng sẽ giúp sự trao đổi chất trong cơ thể bạn "vận động" theo. Nhờ đó sự trao đổi chất trong cơ thể bạn sẽ được đẩy mạnh và cơ thể đốt cháy được nhiều calo hơn. Khi tập thể dục, cơ thể sẽ giải phóng endorphins và hormone khác có tác dụng tăng cường sức lực cho cơ thể, tạo ra nguồn năng lượng để cơ thể hoạt động. Chính vì vậy, tập thể dục buổi sáng là rất cần thiết giúp bạn tỉnh táo, tràn đầy năng lượng trong cả ngày.
Tuyệt đối không bỏ bữa sáng
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bữa ăn sáng là quan trọng nhất trong ngày. Bạn cần ăn đầy đủ, tránh bỏ bữa sáng sẽ cung cấp cho bạn một nguồn năng lượng dồi dào cho các hoạt động sống với một đầu óc minh mẫn, đồng thời giúp bạn tránh được việc thèm ăn vặt cả ngày.
Việc bỏ bữa hoặc ăn quá ít làm dạ dày bị kích thích mà không nhận đủ lượng thức ăn sẽ khiến bạn nhanh đói hơn, dẫn tới ăn quá nhiều vào bữa trưa không tốt cho dạ dày.
Theo M.H (th) (Gia đình & Xã hội