XIN ƠN SỐNG MÙA CHAY & Sống Mùa Chay trong gia đình như thế nào? & Phương thế chống lại tên cám dỗ
Ngày đăng: 2:05 PM - 25/02/2023
XIN ƠN SỐNG MÙA CHAY
Khi yêu, người ta chẳng màng chi đến mình nữa! Tất cả những gì người ta làm chỉ nhắm đến hạnh phúc và tương lai tươi sáng của người mình yêu.
http://giaophanlongxuyen.org/tin-tuc/xin-on-song-mua-chay.html
Mùa Phụng Vụ lại dẫn chúng ta đến một tâm tình khác, mùa có chút bi thương buồn bã hơn, nhưng lại là mùa chuẩn bị cho chúng ta đón nhận một món quà thật to lớn từ Thiên Chúa. Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Việc Ngài trở nên đồng hóa với con người đã là một dấu chỉ vô cùng to lớn cho tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thế nhưng, ngay từ khi Người giáng thế, đã có biết bao dấu chỉ xảy đến gợi nhắc chúng ta về một sự hy sinh khác cao cả và vô cùng ý nghĩa mà Ngài sẽ tiếp tục thực hiện vì ơn cứu độ cho toàn thể con người. Từ Đông Phương xa xôi, các đạo sĩ lần theo ánh sao đêm để triều yết Hài Nhi. Trong số những món quà họ mang theo để biếu Người, có nhũ hương và mộc dược, thứ dùng để ướp xác người chết. Khi Ngài chịu phép cắt bì, ông Simêon đã nói về một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Maria. Biến cố lạc mất Giêsu trong Đền Thờ năm 12 tuổi cũng nói về một cuộc chia ly nào đấy sẽ đến về sau. Khi khởi sự sứ vụ công khai, Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Giêsu như là “con chiên của Thiên Chúa”, một con vật bị đem đi sát tế để đền tội cho muôn người. Đỉnh cao của công cuộc cứu thế được thực hiện nơi Đức Giêsu là cái chết của Người. Nhưng đấy không phải là một cái chết bình thường. Ngoài những hàm oan và đau đớn, vốn là cái bề ngoài mà ta có thể thấy được nơi sự hy sinh của Đức Giêsu trên thập giá, cuộc Tử Nạn của Đấng Cứu Thế còn mang một ý nghĩa thiêng liêng cao vời, mà trong mùa Chay này, chúng ta được mời gọi để trầm mình chiêm ngắm.
Mùa Chay là mùa chúng ta được mời gọi để suy nghĩ về tình yêu, một tình yêu đích thực, trong suốt nhưng cũng có phần lạ kỳ nhất trong lịch sử nhân loại: tình yêu của Thiên Chúa dành cho từng người tội nhân chúng ta. Vì yêu thương chúng ta, vinh quanh lẫy lừng của một Thiên Chúa, Giêsu cũng chẳng màng chi đến. Ngài chấp nhận bị nộp vào tay người đời, bị xem là đồ bị nguyền rủa và xấu xa. Ngài đến để thi ân giáng phúc cho người ta, nhưng chính Ngài lại bị chính những người mình yêu bội phản và giết chết. Ấy vậy mà Ngài không hề buông ra một lời phản kháng; trái lại, còn an ủi, còn nói lời thứ tha. Khi yêu, người ta chẳng màng chi đến mình nữa! Tất cả những gì người ta làm chỉ nhắm đến hạnh phúc và tương lai tươi sáng của người mình yêu. Giêsu đã yêu mà không hề chiếm giữ, yêu mà vẫn tôn trọng tự do. Ngài chỉ mong chờ, chứ không bắt buộc người mình yêu phải yêu mình như thế. Chúng ta có cảm nghiệm được tình yêu này của Giêsu trong cuộc đời mình không?
Mùa Chay cũng là mùa chúng ta được mời gọi để suy nghĩ về vinh quang thập giá của người môn đệ Chúa. Nếu như người đời vẫn quan niệm vinh quang là có thật nhiều của cải và quyền lực, được người khác tâng bốc và tung hô, có thể sai khiến được nhiều người, thì vinh quang của chúng ta – những người môn đệ Chúa – là lấy phục vụ làm đầu, là dành phần hơn cho người khác, lãnh phần thiệt hại về phía mình. Vinh quang của thập giá không phải cố chiếm vị trí trọng tâm để người khác hướng về mình với sự ngưỡng mộ, nhưng là âm thầm rút về đằng sau, hy sinh mà không đòi đền đáp, cho đi mà chẳng mong đáp đền. Vinh quang của thập giá hệ ở tình yêu và lấy sự tha thứ làm phương dược xoa dịu đi tất cả những oán hờn căm phẫn, những ác độc mưu toan. Ai trong chúng ta cũng mong muốn mình làm lớn, chẳng ai thích cúi mình, thích phục vụ. Người nào có thể quên đi lợi ích của mình vì người khác, ấy mới thật sự là một con người dũng mãnh và phi thường. Sẽ dễ hơn cho chúng ta để sống một cuộc đời hưởng thụ. Nhưng nếu chúng ta dám sống hai chữ “hy sinh”, ta mới thật sự là người đáng hưởng phúc lộc “vinh quang”. Chúng ta đang tìm kiếm vinh quang của Thiên Chúa hay vinh quang của người đời? Có bao giờ ta xác tín rằng “vinh quang của ta là thập giá Đức Kitô” chưa?
Thời gian mùa Chay cũng mời gọi chúng ta hãy nhớ đến thân phận tro bụi của mình, nhớ đến cái kết cục thảm khốc mà ai cũng phải tiến đến là cái chết, nhớ đến những ảo tưởng và phù hoa mà tiền tài và danh vọng ở thế gian này bày vẽ trước mặt ta. Hãy suy nghĩ về cái chóng qua của một kiếp con người, cũng tựa như những cánh hoa tươi trong vườn. Một thời hoa cũng thơm hương, gọi mời ong bướm muôn phương, nhưng rồi cũng có ngày hoa trở nên xơ xác. Cao sang mấy, danh vọng mấy, rồi có ngày chúng cũng sẽ trôi tuột khỏi bàn tay ta. Ta được mời gọi để hướng đến một điều gì đó bền vững hơn, chắc chắn hơn, một tài sản cao quý hơn trên Nước Thiên Đàng. Ta hãy tìm cách tích trữ của cải ấy qua đời sống cầu nguyện, qua những việc hy sinh và qua những việc bác ái.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn cho chúng ta, giúp chúng ta có được một sự chuẩn bị thật chu đáo trong mùa chay thánh này, để có thể đón chờ hồng ân cứu độ của Thiên Chúa.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Thánh Giacôbê dạy về việc chế ngự miệng lưỡi
THÁNH GIACÔBÊ DẠY VỀ VIỆC CHẾ NGỰ MIỆNG LƯỠI
ZA Blog
Với miệng lưỡi của mình, chúng ta có thể nói sự thật hay nói dối. Chúng ta có thể khen ngợi hay hạ bệ người khác. Đôi khi chúng ta nói những lời sai trái. Hoặc là chúng ta không nói những lời đúng đắn.
Mọi người đều có kinh nghiệm về những lần họ nói điều gì đó mà họ không muốn. Đó là lúc lời được nói ra trước khi họ quyết định liệu có nên nói chúng hay không. Đôi khi chúng ta thậm chí cảm thấy môi miệng không thực sự nằm trong tầm kiểm soát, kiểu như miệng lưỡi tách biệt với cơ thể của mình.
Nhưng thực tế, lời nói trên miệng lưỡi lại đến từ sự tràn đầy nơi cõi lòng (Mt 12,34).
Thật dễ dàng bỏ qua những điều do lỡ lời. Chúng thuần túy là một phần gắn liền với thân phận con người. Nhưng trong tư cách là những Kitô hữu, chúng ta phải luôn lưu tâm đến những điều chúng ta nói – dù là vô tình đi nữa. Chúng ta là hiện thân của Đức Kitô và là những chiếc bình chứa sức mạnh có tính biến đổi của Ngài.
Thư Giacôbê là một trong những cuốn sách thiết thực nhất về đời sống Kitô hữu, và ở chương 3, bức thư dành ra 12 câu nói về việc chế ngự miệng lưỡi.
Dưới đây là điều thánh nhân đã dạy.
Điều ta nói ra thật quan trọng biết bao
“Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng. Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè: dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái. Cái lưỡi cũng vậy: nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn. Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao! Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác. Cái lưỡi có một vị trí giữa các bộ phận của thân thể chúng ta, nó làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hoả ngục đốt cháy” (Gc 3,3-6).
Chúng ta không thể vờ như những lời ta nói không hề quan trọng. Chúng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến người khác. Chỉ một từ giản đơn như “ngu ngốc” có thể đeo đuổi ai đó cả đời, xuyên thấu tâm can và làm hư hoại ý thức của họ về chính mình. Mỗi nhân vị đều được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa với giá trị phi phàm, nhưng những lời nói gây tổn thương lại hạ giá người khác. Vả lại, trong tư cách là những Kitô hữu, điều chúng ta nói có thể ảnh hưởng đến niềm tin của ai đó liên quan đến vị thế của họ trước mặt Thiên Chúa.
Hãy lưu ý rằng hai hình ảnh đầu tiên thánh Giacôbê sử dụng không miêu tả chiếc lưỡi như một thứ vốn đã xấu. Một chiếc hàm thiếc có thể điều khiển con ngựa đi đúng hoặc sai đường. Bánh lái đối với con tàu cũng vậy. Nhưng tất cả đều phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng chiếc hàm thiếc và bánh lái ấy.
Hình ảnh thứ ba làm nổi bật khả năng hay thay đổi của miệng lưỡi. Những lời nói có thể nhanh chóng lan đi ngoài tầm kiểm soát và khiến chúng ta bất lực trong việc ngăn chặn những hậu quả hay khắc phục thiệt hại. Một tin đồn hoàn toàn vô căn cứ có thể lan xa và nhanh đến mức phá hủy thanh danh của một người, dù sau đó nó được chứng minh là không đúng. Và khi chúng ta nói điều xấu, chúng ta làm nhơ bẩn chính mình.
Thánh Giacôbê cho thấy rất rõ lời nói của chúng ta chứa đựng sức mạnh. Và đó là lý do việc học cách kiểm soát miệng lưỡi thật quan trọng đối với các Kitô hữu.
Không người nào có thể chế ngự miệng lưỡi
“Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được. Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người” (Gc 3,7-8).
Lưỡi bạn có tám cơ quyết định cách nó vận động và âm thanh mà nó giúp bạn hình thành. Nhưng dù bạn có cố gắng điều khiển tám cơ này thế nào đi nữa, bạn cũng sẽ không bao giờ kiểm soát hoàn toàn những lời mà chúng tạo ra.
Đức Giêsu dạy cách để chúng ta tránh việc lỗi phạm Lề luật, đó là chúng ta cần giữ một thái độ nghiêm chính cả trong suy nghĩ lẫn hành vi (Mt 5,21-22). Ngài không có ý đặt thêm thêm luật lệ cho chúng ta tuân giữ. Nhưng Ngài chỉ ra rằng chúng ta không thể thắng vượt tội lỗi tự sức mình. Chúng ta cần đến Ngài. Và cũng đúng như thế nếu chúng ta trông mong kiềm chế được miệng lưỡi.
Nhân loại đã không cần đến sự can thiệp thần linh để kiểm soát các loài thụ tạo khác. Nhưng Thiên Chúa lại là Đấng duy nhất có thể giữ miệng lưỡi chúng ta trong tầm kiểm soát. Chúng ta cần không ngừng đặt bản thân suy phục Thiên Chúa và trao cho Ngài quyền chủ tể.
Chúng cần dùng miệng lưỡi mình vào việc tốt
“Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa. Từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa. Thưa anh em, như vậy thì không được. Chẳng lẽ một mạch nước lại có thể phun ra, từ một nguồn, cả nước ngọt lẫn nước chua sao? Thưa anh em, làm sao cây vả lại có thể sinh ra trái ôliu, hoặc cây nho sinh trái vả? Nước mặn cũng không thể sinh ra nước ngọt” (Gc 3,9-12).
Là những Kitô hữu, chúng ta không hề muốn để cho tội lỗi dễ dàng thống trị cõi lòng mình. Nhưng nếu chúng ta bỏ mặc tội lỗi đến từ môi miệng – thù ghét, điêu ngoa, mách lẻo và vu khống – cũng như ngộ nhận rằng việc này chỉ đơn thuần là kết quả tự nhiên của nhân tính, chúng ta đang để tội lỗi, chứ không phải Đức Kitô chi phối mình. Chúng ta đang để sự tội tràn ra tự bên trong chúng ta, khi mà lời ăn tiếng nói của chúng ta lẽ ra phải chan chứa tình yêu của Đức Kitô.
Các lãnh đạo Kitô giáo bị đòi buộc tiêu chuẩn cao hơn
“Thưa anh em, đừng có nhiều người trong anh em ham làm thầy thiên hạ, vì anh em biết rằng chúng ta sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn. Thật vậy, tất cả chúng ta thường hay vấp ngã” (Gc 3,1-2).
Vai trò lãnh đạo đi cùng với một trách nhiệm nặng nề: sự đánh giá tập thể của những người bạn lãnh đạo. Mọi người đều mắc sai lầm và thi thoảng cũng nói sai gì đó. Nhưng khi một người có tầm ảnh hưởng phạm phải, những sai lỗi ấy sẽ ảnh hưởng đến nhiều người hơn.
Trong khi mỗi tín hữu đều là đại diện của Đức Kitô, những người lãnh đạo Kitô giáo được kêu gọi hướng dẫn, dạy dỗ và dẫn dắt dân Thiên Chúa bước theo Đức Kitô ngày thêm khăng khít. Mọi hành động họ làm, mọi lời họ nói đều được soi xét dưới ánh sáng của trách nhiệm kể trên.
Thánh Giacôbê vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại về việc miệng lưỡi chúng ta thực quá đỗi nguy hiểm. Sau khi đọc chương 3 thư Giacôbê, có lẽ bạn cảm thấy tốt hơn là chưa từng đọc nó. Mặc dù thánh Giacôbê không đi xa đến mức như thế, nhưng ngài cảnh tỉnh chúng ta để hướng đến việc nói ít hơn. “Anh em thân mến của tôi, anh em nên biết rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận…” (Gc 1,19).
Quan điểm của thánh Giacôbê không phải là chúng ta đừng bao giờ mở miệng. Ngài muốn chúng ta hiểu rằng chúng ta cần cẩn trọng về thời điểm, lý do và cách thức mà chúng ta sử dụng lời ăn tiếng nói. Bởi vì càng nói nhiều trong khi đáng lẽ cần lắng nghe, chúng ta càng có khả năng nói ra những điều vô ích – hay thậm chí những điều có tính phá hủy.
Grêgôriô Võ Trần Nhựt
Chuyển ngữ từ: zondervanacademic.com (12.03.2019)
Bí tích của lòng thương xót
- Chúa không chấp tội con đâu, Chúa nhân từ lắm!...
Lòng chị bỗng nhẹ tênh không còn nặng trĩu. Tai chị như nghe tiếng Chúa nhẹ nhàng với chị phụ nữ nào ngày xưa: “Tôi không kết án chị đâu. Chị cứ về đi…” Hôm nay Chúa không chấp tội chị mà sao chị thấy vô cùng hối hận. Phải, càng nhận ra tình yêu thương tha thứ của Chúa, chị càng thêm hối tiếc hơn. Chị muốn từ đây sẽ không làm Chúa buồn nữa và lòng chị hân hoan. Đây hẳn là dấu chỉ ơn được chữa lành. Lần khác, chị nghe bên tòa cáo giải, vị Linh mục mở đầu với lời khuyên thật dễ thương: “Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân…” Chị hiểu Chúa muốn từ nay chị phải làm gì để bầu khí gia đình, cộng đoàn trở thành “mùa xuân ấm áp”. Một lần giữa đoàn người đông đảo hành hương, chị rón rén đến gần vị Linh mục đeo dây stola tím, ngài cất tiếng hỏi:
- Chị có biết rằng Chúa đang yêu chị nhiều lắm không?
- Dạ có! chị lí nhí trả lời.
Sau khi lãnh nhận bí tích Hòa giải, chị ra về lòng tràn đầy bình an, bình an đến lạ thường. Lòng chị hân hoan vui sướng vì được “Chúa yêu”!
Để giúp chúng ta chuẩn bị lãnh nhận Thánh Thể là của ăn nuôi dưỡng linh hồn, Chúa để lại “phép lạ của lòng thương xót”, đó là Bí tích Hòa giải. Ở đây Chúa hiện diện với chúng ta như Đấng Cứu Độ với lòng thương xót, là suối nguồn thương xót để tẩy rửa, ủi an, tha thứ và hoán cải đời sống chúng ta, cho dù tội lỗi chúng ta có đầy tràn.
Mỗi lần chúng ta đi xưng tội với đức tin và tâm tình sám hối thì cả thiên đàng và hỏa ngục đều bàng hoàng chấn động trước sự đổ trào Lòng Thương xót của thiên Chúa đầy bao dung tha thứ. Anh trộm lành ngày xưa vừa nhận mình là kẻ có tội và quay sang xin với Chúa, ngay lập tức anh được Chúa thứ tha: “Ngay hôm nay anh sẽ được ở trên thiên đàng với Ta”.
Chúa nói với chị Faustina: “Khi con đi xưng tội, tức là con đến với nguồn Thương xót này, gồm Máu và nước đổ ra từ Thánh Tâm Ta luôn luôn tuôn xuống linh hồn con... nơi Tòa Án Thương Xót, những phép lạ cao cả nhất tiếp diễn không ngừng… Đây là nơi gặp gỡ của Thiên Chúa Thương xót và linh hồn tội lỗi.
Con hãy dùng đức tin khi quỳ dưới chân người đại diện của Ta…Chính Ta đang chờ đợi con ở đó… Hãy xưng tội trước mặt Ta. Cá nhân vị linh mục đó là Ta, chỉ cách có bức màn. Đừng bao giờ phân tích vị linh mục mà Ta dùng đó là ai. Hãy mở linh hồn con khi xưng tội như là xưng với Ta, và Ta sẽ ban cho linh hồn con đầy ánh sáng…
Hãy chỉ cho các linh hồn biết phải tìm đâu niềm an ủi. Đó chính là nơi tòa giải tội... bằng đức tin chân thành, hãy đến với vị đại diện Ta nơi tòa giải tội, và kể hết cùng ngài những khốn khổ của linh hồn, và rồi phép lạ của Lòng Thương xót sẽ xảy ra. Một linh hồn giống như thây chết đã thối rữa, đối với quan điểm của loài người là hết hy vọng, là mất tất cả. Nhưng đối với Thiên Chúa lại không vậy. Phép lạ của Lòng Thương xót sẽ phục hồi hoàn toàn linh hồn đó.” (Thông điệp và việc sùng kính Lòng Thương xót Chúa).
Mùa chay thánh đã về. Mùa chay thường được gọi là mùa “sám hối” hay “trở về”. Đây thực sự là thời gian ân sủng khi nó trở thành cơ hội để ta trở về với chính mình và trở về với Chúa. Mỗi mùa chay đến ta lại nghe vang vọng khúc thánh ca:
“Chúa chờ ta từ bao năm ta vẫn ngủ mê
Từ bao năm quên lối đường về,…
Chúa chờ ta đôi tay Ngài rộng mở,
Chúa chờ ta nghe từng hơi thở, Chúa vẫn chờ ta.
Nghe trong tim như có tiếng gọi ta
Nghe du dương như tiến suối lời thơ
Con hãy về với Cha đi, con hãy về với Cha
Đừng chần chừ vì trời tối buông mau.
Con hãy về với Cha đi, con hãy về với Cha
Hãy trở về tìm đến mạch suối trong
Tìm về nguồn tình mến thương vô bờ.”
Là Kitô hữu mỗi người chúng ta hãy mau mau trở về với Chúa, để nối lại mối dây liên kết với Chúa, như người con đi hoang trở về nhà Cha của mình.
Mùa chay thực sự là thời gian thuận tiện mà Hội Thánh muốn dành cho mỗi Kitô hữu để trở về. Nhưng nếu sự sám hối của chúng ta chỉ dừng lại ở việc trở về với chính mình thì đó mới chỉ là cuộc “hoàn lương” đi tìm sự bình an và hạnh phúc cho bản thân. Điều thiết yếu của sự sám hối là đưa ta tới gặp gỡ Thiên Chúa, để sau cuộc trở về, chúng ta được thúc đẩy ra đi làm chứng cho Chúa. Chúng ta có thể đã nghe và bắt gặp nhiều chứng từ của những con người vốn chìm sâu trong tội lỗi mà nay đã trở về. Chính chúng ta cũng là những chứng từ sống động cho người khác bằng những chiến thắng cám dỗ nho nhỏ mỗi ngày. Khi chúng ta quyết tâm không buôn gian bán lận, không nói dối… là ta đang làm chứng cho Chúa của Sự thật; khi chúng ta nhịn một lời vu khống, những câu nói khó nghe, khi chúng ta tha thứ, bỏ qua cho những người cố ý làm hại mình là chúng ta đang làm chứng cho Thiên Chúa của Tình yêu…
Sau hết, chúng ta không chỉ trở về mỗi khi mùa chay đến, để sám hối và phục sinh một lần mà thôi, mà mỗi chúng ta được mời gọi hãy sám hối mỗi ngày, để ngày ngày ta luôn được phục sinh với Chúa, để được sống hạnh phúc sung mãn trong biển Tình yêu bao la của Chúa.
“Xin giữ con để con thuộc về Chúa… dù khi mỏi mệt, dù khi lỗi tội xin giúp con khiêm cung về với Ngài. Nguyện xin Chúa giúp con bắt đầu và lại bắt đầu, này con chiến đấu, này con chiến thắng, tươi sáng hy vọng”.

PHƯƠNG THẾ CHỐNG LẠI TÊN CÁM DỖ
SUY NIỆM CHÚA NHẬT I MÙA CHAY – A
(Mt 4, 1-11)
Bước vào Mùa Chay Thánh, mùa mà Giáo hội một thời ăn chay suốt cả mùa trừ ngày Chúa nhật. Đến nay chỉ còn giữ chay hai ngày (thứ tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh), với lý do Chúa Kitô đã bị bắt ngay từ đêm thứ Ba rạng ngày thứ Tư và Người đã tử nạn vào ngày thứ Sáu.
Mùa Chay còn được gọi là “Mùa Tứ Tuần” hoặc “Mùa 40 ngày” (qua dragesima, carême). Gợi nhớ 40 năm dân Israel trong sa mạc. Môsê đã ở trên núi 40 đêm ngày trước khi ban Luật pháp cho dân. Êlia, 40 ngày trên đường đi gặp Thiên Chúa. Chúa Giêsu, 40 đêm ngày trong sa mạc chịu ma quỷ cám dỗ.
Giáo hội quen gọi là mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng với những việc tốt lành theo truyền thống là ăn chay, cầu nguyện và bố thí để chống trả chước cám dỗ. Bài đọc I trích sách Sáng Thế thuật lại cảnh Ađam và Evà bị Satan cám dỗ, ông bà đã quỵ ngã cách thảm thương, “và thế là sự chết đã truyền tới mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12). Tin Mừng theo thánh Matthêu thuật lại cảnh Satan không chỉ cám dỗ Chúa Giêsu một phen mà ba phen, nhưng Chúa Giêsu đã chiến thắng. Đây là bài học cho mỗi người chúng ta.
Ađam và Evà bị cám dỗ thì sa ngã
Trình thuật chương đầu tiên của sách Sáng Thế cho thấy nguyên tổ của chúng ta đã khước từ thánh ý Chúa. Nguyên nhân này nảy sinh từ “con rắn”, ma quỷ hay còn gọi là Satan. Con rắn muốn thực hiên ý định dụ dỗ Ađam và Evà không theo ý Chúa mà theo ý mình, tự sức mình, lập luật cho mình và trở nên Thiên Chúa, mà không cần sự trợ giúp của Thiên Chúa.
Ađam là “Người”; Evà là “Bà”. Ađam-Evà là đàn ông và đàn bà được Thiên Chúa dựng nên, đặt vào vườn địa đàng, hưởng niềm vui bất tận, vì trong đó có cây hằng sống. Chỉ có một điều là con người phải nhớ đây là tình trạng ân huệ nhưng không, lệ thuộc vào lòng tốt của Thiên Chúa, luôn kết hợp với Ngài và yêu mến Ngài. Con rắn đã đảo lộn lời Chúa, nó nói với Evà: “Có phải Thiên Chúa đã bảo: Các ngươi không được ăn mọi thứ cây trong vườn?” (St 2,) Đang khi Chúa dạy: “Các ngươi được ăn hết mọi trái cây trong vườn, trừ cây biết lành biết dữ “. Rắn xuyên tạc ý nghĩa lệnh truyền: “Không, các ngươi không chết đâu! Nhưng Thiên Chúa biết rằng ngày nào các ngươi ăn trái ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh“(St 3,5).
Lời nói dối trên đưa con người đến chỗ làm theo ý mình, không làm theo ý Chúa, bóp nghẹt ý muốn hiệp thông với sự sống thần linh của Ađam và cắt đứt mạch sống với Thiên Chúa, dẫn đến diệt vong “do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian” (Rm 5,12).
Chúa Giêsu bị cám dỗ, Người chiến thắng
Nếu như nguyên tổ Ađam và Evà bị Satan ba lần dùng các chiến thuật cám dỗ với mục đích làm cho ông bà nguyên tổ cố tình làm theo ý mình, không theo ý Thiên Chúa. Tệ hơn nữa, Satan làm cho Ađam và Evà hiểu lầm rằng, nó đã làm điều tốt nhất cho ông bà. Nay Satan cũng ba lần tấn công vào tình cha con giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha, cùng mục đích là khiến Chúa Giêsu không làm theo ý Chúa Cha.
Cám dỗ thứ nhất:
“Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Khi Người đã nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người cảm thấy đói” (Mt 4,1-2). Đói là nhu cầu hiện tại chính đáng. Ma quỷ đến gần và đề nghị “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh!” (Mt 4,3). Khiến đá thành bánh ra để ăn là việc làm trong tầm tay của Con Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu không làm, Người đã trích sách Đệ Nhị Luật để phản ứng: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra“. Thật rõ ràng, điều quan trong đối với chúng ta không phải là của ăn vật chất, ý riêng mình, nhưng là làm theo ý Chúa.
Cám dỗ thứ hai:
Satan đặt Chúa Giêsu vào trong tình trạng đã rồi khi đưa Người lên nóc Đền thờ và đề nghị: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi, vì có lời chép rằng: Ngài đã ra lệnh cho các Thiên Thần đến với ông, và chư vị đó sẽ nâng đỡ ông trên tay” (Tv 91,11). Thực ra, những điều ma quỷ yêu cầu Chúa Giêsu, không gì khác hơn ngoài việc cám dỗ Chúa buộc Chúa Cha phải làm một phép lạ, bắt Thiên Chúa phải phục vụ. Chúa Giêsu không làm. Với chiêu cám dỗ này, Chúa Giêsu thấy ngay lập tức và chiến đấu với nó bằng đoạn khác của Kinh Thánh: “Ngươi đừng thử thách Chúa, là Thiên Chúa ngươi” (Đnl 6,16).
Cám dỗ thứ ba:
Satan đem Chúa Giêsu lên Thành Thánh và nói: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi.” Chúa Giêsu đáp trả mạnh mẽ: “Hãy lui đi, hỡi Satan! Vì có lời đã chép: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa người “(Đnl 6,13). Satan đặt ra cho Chúa Giêsu ba lần “nếu”. Nó muốn Chúa Giêsu chẳng những không vâng lời Chúa Cha mà còn bỏ Chúa Cha đi thờ nó.
Noi gương Chúa Giêsu làm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần
Các chiêu ma quỷ dùng để cám dỗ Ađam va Evà, nó cũng dùng cám dỗ Chúa Giêsu và cả chúng ta ngày hôm nay nữa. Môi trường chúng ta đang sống là nơi diễn ra cuộc chiến đấu thực sự về tâm linh. Một cuộc chiến chống lại ma quỷ, chống lại kẻ luôn gây chia rẽ, tên nói dối “Tin Mừng gọi nó là cha đẻ của những kẻ nói dối”, tiếng Do Thái gọi là “Sa-tan” kẻ thù của Thiên Chúa và kẻ thù của con người. Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng, cuộc chiến này không thể thắng được, nếu không có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta làm theo ý Chúa.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin dẫn dắt chúng ta trong cuộc chiến thường ngày, nhất là bước vào trận chiến thiêng liêng trong Mùa Chay Thánh. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
https://www.tonggiaophanhanoi.org/phuong-the-chong-lai-ten-cam-do-chua-nhat-i-mua-chay-nam-a/
Dục vọng – Sự nghiêng chiều về tội lỗi của chúng ta
Một thợ sửa xe giải thích với tài xế đang thất vọng vì xe hư rằng: Đó là do các bánh xe ô tô của anh đang bị lệch tâm.
Anh thợ ấy nói với tài xế: có lẽ anh vừa lái xe vấp ổ gà hoặc va vào lề đường, và điều đó có thể làm cho những bánh xe không thẳng hàng. Mọi tài xế đều biết rằng sẽ rất mệt để giữ cho xe chạy thẳng trên đường cao tốc với một chiếc xe liên tục đi lệch khỏi tâm, mất cân bằng. Nếu không có sự tập trung và điều chỉnh tay lái liên tục, chiếc xe có xu hướng bị trôi khỏi làn đường. Người thợ sửa xe cho tài xế biết: “một ổ gà lớn có thể gây ra điều này, và sau đó, chiếc xe gần như không thể đi thẳng nếu không có sự chỉnh lái liên tục.”
Trong trường hợp này, điều xảy ra với một chiếc ô tô cũng đúng với tâm hồn con người.
Các thần học gia đã có nhiều nỗ lực trong việc giải thích khuynh hướng đi lệch tâm của con người: đó là một tội rất lớn – tội của nguyên tổ trong vườn địa đàng – và nó khiến con người gần như không thể tiến thẳng về phía trước nếu không điều chỉnh liên tục. Hãy nhớ rằng từ ngữ để chỉ tội lỗi trong Tân Ước là hamartia, một từ gốc trong Hy ngữ với nghĩa đen là lạc mất dấu hoặc đi lệch hướng, chúng ta có thể nói rằng sau tội nguyên tổ, con người hướng chiều về tội lỗi và gần như không thể tiếp tục “đi thẳng và đúng đắn”.
Các thần học gia gọi sự hướng chiều về tội lỗi ở trên là “dục vọng”. Từ ngữ này được định nghĩa như một khao khát mạnh mẽ, một khuynh hướng hoặc một sự thu hút, thường được trỗi dậy từ những ham muốn tình dục hoặc khoái cảm thể xác. Theo cách nói của luân lý, đây là một khuynh hướng đi chệch hướng.
Dục vọng được hiểu như một hậu quả của tội nguyên tổ, nó vẫn tồn tại ngay cả khi được lãnh nhận bí tích Rửa tội. Phép rửa tẩy xóa chúng ta khỏi tội nguyên tổ, nhưng dục vọng vẫn còn như một hậu quả của nó còn sót lại. Sách giáo lý Hội thánh Công giáo dạy rằng “một số hậu quả tạm thời của tội vẫn còn tồn tại nơi người đã chịu Phép Rửa, như đau khổ, bệnh tật, sự chết, hoặc những mỏng dòn trong cuộc sống như tính tình yếu đuối, v.v…, hoặc cả sự hướng chiều về tội mà Truyền thống gọi là dục vọng (concupiscentia)” hay nói cách ẩn dụ đó là “bùi nhùi nhóm lửa của tội” (fomes peccati) (Số 1264).
Thêm một phép ẩn dụ khác, nghiên cứu y khoa cảnh báo rằng việc bị cháy nắng nghiêm trọng lúc tuổi trẻ sẽ khiến một người dễ bị ung thư da hơn trong suốt cuộc đời. Việc bị cháy nắng đó có thể được chữa trị mau chóng, nhưng những ảnh hưởng của nó kéo dài suốt cả cuộc đời, đồng thời gia tăng khả năng bị ung thư. Sự phòng ngừa cần phải được thực hiện để bảo vệ làn da khỏi những tác động tiêu cực của bức xạ mặt trời, vì da dễ bị tổn thương hơn sau khi bị cháy nắng nghiêm trọng.
Tội nguyên tổ
Tội nguyên tổ – tội lưu truyền qua các thể hệ của loài người – khiến cho nguyên tổ của chúng ta bị xa lìa khỏi thiên đàng và kèm với đó là tất cả hệ quả của bản tính phải chết: sự đau đớn, bệnh tật, đau khổ, lão hoá, cái chết và mục rữa.
Tội tổ tông gây ra rạn nứt, hoặc gãy đổ trong sự hài hoà giữa thân xác và tâm hồn, điều vốn là một phần nơi công cuộc tạo dựng loài người của Thiên Chúa. Trong sự thánh thiện nguyên thuỷ của ông bà tổ tông, đã có một sự hài hoà trọn hảo: sự hài hoà với Thiên Chúa, với thế giới xung quanh và với chính mình. Quyết định tách ra khỏi thánh ý Chúa đồng nghĩa với việc phá huỷ sự hài hoà trong tạo dựng và sự căng thẳng xuất hiện từ đó.
11 chương đầu tiên của sách Sáng Thế cho thấy sự gia tăng căng thẳng và bất hoà: bắt đầu bằng sự hài hoà tuyệt đối của vườn địa đàng, tiếp đến xuất hiện tội nguyên tổ, sau đó là tội lỗi của anh em chống lại nhau và kết thúc bằng công trình tháp Babel – một mốc điểm trong lịch sử nhân loại nơi mà con người không còn hiểu được nhau.
Trong sự thánh thiện nguyên thuỷ của bản chất con người, có một sự hài hoà trọn hảo giữa thân xác và tâm hồn. Vì sự chết thâm nhập vào thế gian do hậu quả của tội, nên việc linh hồn bị tách khỏi thể xác khi chết là hậu quả của tội nguyên tổ. Chúng ta tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào sự phục sinh của thân xác, vào lúc đó thân xác và linh hồn sẽ được phục hồi trong tình trạng hài hoà tuyệt hảo vốn tồn tại trước khi có tội tổ tông. Dục vọng là một triệu chứng của sự không hài hoà giữa thân xác và linh hồn, vì thân xác và những thèm muốn (hoặc khao khát) của nó muốn kéo chúng ta theo một hướng nào đó, trong khi linh hồn thì muốn bám vào những điều cao trọng nơi Thiên Chúa và ân sủng. Trên thiên đàng, sự hoà hợp giữa thân xác và linh hồn, cũng như sự hoà hợp với Thiên Chúa và vạn vật xung quanh chúng ta sẽ được phục hồi. Tội lỗi sẽ không còn nữa.
Bí tích Thánh Tẩy rửa sạch chúng ta khỏi tội nguyên tổ, nhưng vẫn còn đó những hệ quả của nó. Một trong số đó là khuynh hướng bẩm sinh dễ bị yếu đuối trước cám dỗ, nghiêng chiều về tội lỗi, hướng về các khao khát mà không làm vinh danh ân sủng của Thiên Chúa.
Công đồng Trentô (1545-1563) hướng dẫn rằng dục vọng “bước ra từ tội lỗi và đem lại tội lỗi”. Tuy vậy, dục vọng tự bản chất không phải là tội lỗi. Nó khiến chúng ta yếu đuối trước tội lỗi, nhưng sự nhạy cảm trước cám dỗ không phải là tội. Cách thức chúng ta đáp trả chước cám dỗ sẽ quyết định tính đúng đắn (công phúc) hoặc sai trái (tức tội lỗi). Với sự lưu tâm liên lỷ, hoặc đúng hơn là với việc đón nhận ân sủng đong đầy cách triền miên của Thiên Chúa, con người có thể không bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng sa ngã này.
Một tài xế luôn chú tâm vào con đường phía trước có thể liên tục điều chỉnh độ lệch ở phần đầu xe, giữ cho chiếc xe di chuyển theo hướng mình muốn. Thật vậy, công đồng Trentô cân nhắc rằng dục vọng “không thể làm hại những ai không ưng thuận nhưng kiên quyết kháng cự lại nó bằng ân sủng của Thiên Chúa” (Giáo lý, số 1264). Đó là ân sủng dự phòng, nó đi trước suy nghĩ và hành động của chúng ta, nó luôn đợi chờ để giúp chúng ta khi chúng ta bị cám dỗ đi lệch hướng bởi dục vọng. Bằng cách tận dụng ân sủng này của Thiên Chúa, chúng ta có thể kháng cự được hướng chiều tội lỗi và thay vào đó là việc kiên trì ở lại trong đường lối luân lý đúng đắn.
Chúng ta đáp trả như thế nào?
Có câu chuyện kể về một linh mục hỏi người đàn ông trong toà giải tội, “Con à, con có mời gọi các tư tưởng tội lỗi không?” Hối nhân mau chóng trả lời, “Không, chúng mời gọi con, thưa cha.” Chính dục vọng khiến cho tâm trí chúng ta dễ bị tổn thương bởi các tư tưởng hướng chúng ta về phía tội lỗi và về các hành vi phạm tội, thế nhưng dục vọng cũng như các tư tưởng đó đều không phải là tội lỗi tự bản chất. Tính luân lý được quyết định bởi hành động đáp trả của chúng ta: việc nài xin ân sủng của Thiên Chúa để giúp chúng ta quay lưng lại với suy nghĩ tội lỗi là công phúc, ngược lại, việc không kháng cự và đầu hàng trước những hành động vô luân hoặc bừa bãi là sự xác định của tội lỗi. Dục vọng làm suy đồi tâm trí đến mức khiến chúng ta bị cám dỗ kết luận rằng ngoài Thiên Chúa ra thì vẫn có nhiều điều có thể đem đến sự thỏa mãn tối hậu.
Thánh Tôma Aquinô hướng dẫn cách minh nhiên rằng dục vọng là hệ quả của tội tổ tông. Một khi con người đưa ra quyết định tách biệt khỏi ý Chúa, sự hoà hợp trong bản chất nhân loại cũng bị mất đi. Khi đó, các khao khát và thèm muốn không còn hoà hợp với trí tuệ hoặc lý trí, và cả hai – khao khát và lý trí – cùng đấu tranh chống lại nhau.
Thánh Phaolô đã nắm được điều này và mô tả nó trong thư gửi tín hữu Rôma rằng: “Tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi” (7:23). Thế nên, thánh nhân có thể viết rằng, “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7:19). Thậm chí Chúa Giêsu từng nhận thấy dục vọng trong hành động của con người, khi Người nói, “Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.” (Mt 26:41; xem thêm Mc 14:38).
Các tiên tri trong Cựu Ước cũng hiểu tình trạng giằng xé nội tâm này. Tiên tri Giêrêmia đã đưa ra một câu hỏi sắc lẻm, “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được?” Vị tiên tri ấy đã hiểu được bản chất con người và thường xuyên đề cập đến sự chai cứng của những tâm hồn tội lỗi (xem 3:17 và những đoạn khác), “tư tưởng tội lỗi” (4:14, RSV: Revised Standard Version of the Bible – Bản Kinh thánh sửa lại chuẩn), cũng như “trái tim chai cứng và bội phản” của nhân loại (5:23, RSV).
Các thánh vịnh của vua Đavít cũng đưa ra lời than oán cho các tội đã phạm cũng như một sự lãnh ngộ thấu suốt trong sự phân đôi giữa tính yếu đuối và ân sủng, ham muốn xác thịt và khát khao thánh thiện. “Tội ác thì thào trong thâm tâm kẻ dữ; hắn không thấy cần phải kính sợ Chúa Trời” (Tv 36:2). Trong tiếng than van dành cho lòng thương xót Chúa, vịnh gia nhận biết các khao khát trong cuộc chiến bên trong mình, và hiểu rằng: “Từ thuở bé, con khổ đã nhiều và luôn ngắc ngoải, Chúa làm con kinh hãi, con hoá ra thẫn thờ. ” (Tv 88:16).
Luôn đi đúng hướng
Từ những suy tư sớm nhất (sách Sáng Thế) về cuộc sống trong mối tương quan với Thiên Chúa, đến những suy tư ngày nay, sự giằng co giữa cái thiện và cái ác đã luôn được thấy rõ. Dù được trình bày như một sự đấu tranh giữa sống và chết trong thánh vịnh, hoặc một cuộc đối thoại vui nhộn giữa một bên vai là thiên thần và bên còn lại là ác quỷ, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được rằng chúng ta đều có kinh nghiệm về dục vọng trong đời sống thường ngày.
Bạn có nhận thấy rằng cám dỗ ăn thịt dường như mạnh mẽ hơn vào ngày thứ Sáu trong mùa Chay?
Đó là lúc dục vọng đang làm việc của nó, thân xác đang chiến đấu chống lại linh hồn, mỗi bên đang giằng co về một hướng khác nhau. Bất kể chúng ta chào đón tư tưởng tội lỗi hoặc những tư tưởng đó chào đón chúng ta, thì dục vọng cũng luôn hoạt động: ham muốn xác thịt không bao giờ hoà hợp với khát khao của tâm hồn.
Khi chúng ta không thể thắng được dục vọng trong đời sống, thì chúng ta hãy để đời sống của chúng ta mở ra với ân sủng của Thiên Chúa, điều luôn mang đến sức mạnh để kháng cự lại những yếu đuối nơi bản chất sa ngã của chúng ta.
Mặc dù sự lựa chọn của nguyên tổ là “vứt bỏ cái ách là thánh ý Chúa”, như thánh Tôma Aquinô đã mô tả, thì chúng ta ngày nay có thể chọn mang lấy cho mình cái ách êm ái và gánh nhẹ nhàng của Chúa (xem Mt 11:30). Ân sủng của Chúa luôn đi trước và tiên liệu cho những yếu đuối của chúng ta – ơn dự phòng là của chúng ta nếu chúng ta mở ra đón nhận nó khi dục vọng lôi kéo chúng ta ra khỏi hướng đi.
Đường cao tốc hiện đại giúp người lái xe đi đúng hướng nhờ những vạch kẻ và dải âm thanh cảnh báo khi người lái xe rẽ ra khỏi làn đường. Trong đời sống luân lý, ơn dự phòng và lý trí tự do của chúng ta sẽ có chức năng tương tự, giúp chúng ta nhận ra mình vẫn đang làm điều đúng đắn và nếu chúng ta rẽ ra khỏi hướng đi thì tiếng kêu từ lương tâm sẽ nhẹ nhàng hối thúc chúng ta quay về.
Đức ông William King
Giáo phận Harrisburg
Quang Sáng
Chuyển ngữ từ: simplycatholic.com
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-vong-su-nghieng-chieu-ve-toi-loi-cua-chung-ta-50318
Ăn chay như Chúa muốn
http://www.giaophanhunghoa.org/vi/suy-niem-suy-tu/hang-ngay/an-chay-nhu-chua-muon-o81E041FB.html
Giữa xã hội biến chuyển nhanh chóng, những suy nghĩ cộng gộp và gán ghép cũng nảy sinh. Không ít người Ki-tô hữu cho rằng: việc ăn chay Công giáo cũng giống như lối ăn chay bên Phật giáo, tương tự với cách ăn chay để giữ gìn sức khoẻ, tiết dục, rèn luyện tính khí, và tệ hơn, ăn chay tựa như ăn kiêng, ăn khem, ăn ít lại về số lượng cũng như giảm bớt thịt thà, v.v…
Nếu đặt lối ăn chay giảm bớt về số lượng và kiêng thịt vào trong xã hội của Nhật Bản, thì chắc hẳn ăn chay kiểu này chẳng cần phải từ bỏ, hy sinh gì cả; bởi lẽ người Nhật chuộng cá hơn thịt động vật, cho nên văn hoá ẩm thực của họ hầu hết các món ăn sống như sashimi (cá sống với washabi), sushi (cơm cuộn với cá sống, washabi)…Còn về số lượng thức ăn, thì họ lại ăn rất ít, có khi chỉ cần một nắm cơm với rong biển khô (onigiri). Hơn nữa, dân số Nhật Bản già nhiều hơn trẻ, cho nên ăn uống ít thịt thà, ít về số lượng là lẽ thường tình!Nói như vậy để chúng ta là những người Công Giáo biết ăn chay thế nào cho đúng cách, và đẹp lòng Chúa. Tiên tri I-sai-ah đã nói rất rõ ràng về cách ăn chay chân chính, và phân biệt lối ăn chay mà Chúa không hề mong muốn: “Chúng nói: “Chúng tôi ăn chay, sao Ngài không thấy, chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay?” Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chẳng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa?” (Is 58, 3-5). Miệng ăn chay, nhưng lòng không hoán cải. Ăn chay lòng, nhưng vẫn hành động bạo tàn, ngược đãi, đôi co cãi vã, xung đột, bạo lực, kiếm lợi lộc cá nhân bất chấp điều công minh chính trực. Ăn chay chỉ bên ngoài (khổ chế, cúi rạp đầu, nằm trên vải thô và tro bụi), còn tâm hồn thì xa rời giáo huấn của Thiên Chúa. Phải chăng như thế mà gọi là ăn chay đẹp lòng Chúa sao? (x. Is 58, 5). Đối ứng với điều này, chúng ta thật chú tâm lắng nghe Lời Chúa nói qua ngôn sứ Giô-en: “Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta…Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Ngài từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương” (Ge 2, 12-13). Ăn chay đúng nghĩa trước hết là thật lòng quay về với Chúa, bỏ đường tội lỗi bất chính, cải hối tự tâm, đứng dậy trở về với Ngài.
Hơn nữa, cách ăn chay mà Chúa mong muốn không khác hơn là lời Chúa vang vọng qua ngôn sứ I-sai-ah: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58, 6-7). Tắt một lời, ăn chay đúng nghĩa là làm việc bác ái, hướng tới tha nhân (mà Tin Mừng gọi là bố thí), tha thứ bao dung với anh chị em, rộng lượng giúp đỡ người khác cách cụ thể. Khi ăn chay, thay vì ngó lơ, thì chú tâm, quan tâm đến tha nhân. Khi ăn chay, thay vì khước từ nhu cầu của anh chị em (mặc dù có khả năng chia sẻ), thì đón nhận và chia san với họ. Khi ăn chay, thay vì làm ngơ người khác, thì ân cần hướng đến họ, v.v…Nếu chúng ta chỉ chú trọng đến việc giảm số lượng hoặc kiêng khem thịt thà mà quên đi cốt lõi của việc ăn chay là làm việc bác ái, thực thi yêu thương, tha thứ tha nhân, thì hành động mà ta gọi “ăn chay” đó trở nên vô ích, chẳng đẹp lòng Thiên Chúa. Nếu chúng ta đơn thuần chỉ tập chú vào dâng cúng của lễ, đóng góp rộng lượng đi chăng nữa, mà quên lãng việc thực thi ý Chúa qua đức ái, vị tha…thì quả thật đây là điều Chúa không ưa thích như Ngài nói qua lời ngôn sứ Hô-sê: “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu” (Hs 6, 6) và “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9, 13; 12, 7).
Ngoài ra, ăn chay đúng nghĩa không khác hơn là “làm hoà với Thiên Chúa” (x. 2Cr 5, 20), “đừng để ân huệ được lãnh nhận từ Thiên Chúa trở nên vô hiệu” (x. 2Cr 6, 1) và “tẩy rửa hồn xác cho sạch mọi vết nhơ, đem lòng kính sợ Thiên Chúa mà lo đạt tới mức thánh thiện hoàn toàn” (2Cr 7, 1). Nói cách khác, chúng ta đừng bao giờ quên sống liên lỉ, bền bỉ trong mối thân tình với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện thâm sâu, qua việc tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt Bí tích Thánh Thể và Giao Hoà (Xưng tội). Vì vậy, ăn chay chân chính, ăn chay theo lòng Chúa mong muốn, thì luôn gắn liền với đời sống cầu nguyện và làm việc bác ái (bố thí). Điều này Chúa Giê-su đã dạy các Tông đồ và chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Mt 6, 1-6, 16-18) như thể bộ ba trong một, tựa chiếc kiềng ba chân chẳng bao giờ ngã đổ. Chúng không thể tách rời, hoặc tách biệt khi thực hành trong đời sống đạo, đặc biệt trong đời sống tu đức. Và dĩ nhiên, kết quả của việc ăn chay đích thật này sẽ rất ư rõ rệt, mà Chúa đã phán hứa qua lời ngôn sứ I-sai-ah: “Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi. Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Ngài liền đáp lại: “Có Ta đây!” Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ” (Is 58, 8-10).
Hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta nhận tro trên đầu, dấu chỉ ăn năn sám hối trở về với Chúa, và hân hoan bước vào Mùa Chay Thánh, mùa ân sủng, mùa thuận tiện thi ân thánh đức. Vì vậy, chúng ta thành tâm cùng nguyện cầu:
Chúa mời con bước vào ân tình
Dẫu bao phen đắm mình bụi nhơ
Chúa gọi con quay gót trở về
Nhà xót thương tràn trề ấm êm.
Chúa mời con hưởng niềm vui sướng
Mặc lấy tâm quy hướng về Ngài
Dù trước mắt tương lai bất định
Mãi một lòng trung trinh khôn ngơi.
Chúa mời con nghe Lời phán dạy:
Hoan lạc sống Mùa Chay thánh ân
Ăn chay lòng, canh tân đời sống
Cầu nguyện luôn, bước trong yêu thương. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng